Những ngày gần đây, khi lên Facebook chúng ta dễ dàng thấy được các dòng trạng thái thể hiện tâm trạng lo lắng của sinh viên xa nhà, kèm với hình ảnh quê nhà tan thương trong mưa lũ.
Đứng ngồi không yên
Nguyễn Thị Vân Anh (Quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) hiện là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngấn lệ nói: “Em khóc mấy hôm nay rồi. Hay tin mưa bão, lúc đầu em gọi về nhà không ai bắt máy, em lo lắng vô cùng. Sau đó 30 phút, ba em gọi lại nói là nước dâng cao quá con ơi. Nhà mình trở tay không kịp, giờ ba mẹ đang đưa bà nội đi nơi khác. Thế rồi ba tắt máy. Tim, gan mình như muốn nhảy hết ra ngoài”.
Cùng tâm trạng, Đỗ Thị Thanh Tiên (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, quê ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chia sẻ: Là một sinh viên xa quê khi nghe tin quê lũ lụt em rất lo lắng và muốn về quê ngay. Em muốn về để giúp ba mẹ dọn đồ, ở cạnh ba mẹ vì ở trong này em đứng ngồi không yên. Nhưng vì điều kiện học xa nên em không thể về được. Giờ em chỉ biết gọi điện thoại về hỏi thăm ba mẹ tình hình lũ lụt như thế nào.
tin liên quan
Người nước ngoài kêu cứu trong căn nhà ngập nước ở Hội An"Mấy ngày hôm nay em online gần như 24/24 thường để nhờ mọi người ở quê cập nhật tình hình lũ lụt, chứ nói chuyện với ba mẹ nhiều khi ba mẹ chẳng chịu nói thật vì sợ em lo lắng. Năm nay nước quá lớn bao phủ hết cả làng quê nghèo của em, em thấy thương bà con ở quê và chỉ muốn làm gì đó để có thể giúp được bà con qua đợt lũ này. Giờ chỉ biết cầu nguyện cho nước mau xuống để mọi người trở lại cuộc sống bình thường”, Thanh Tiên tâm sự.
Lê Thị Thanh Phương Thảo (quê ở Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên nghe tin bão đến mà em không có ở nhà cùng ba má dọn dẹp đồ, chèn chống ứng phó bão lũ. Mấy ngày nay, nhà em đang bận rộn với việc dọn đồ đạc, nước lũ vào nhà, ngày càng lên cao. Phố cổ Hội An sáng nay nước ngày càng dâng, có nơi lên tới 3 m. Em chỉ biết điện thoại về nhà, hỏi má nước tới đâu nhà rồi má. Lâu lâu lướt tin báo thấy mực nước càng dâng cao, hình ảnh mấy ngôi nhà ngập nước ngang bụng, có nơi ngập luôn mấy trụ cột chỉ đường, chẳng còn biết đường nào, đâu đâu cũng là nước mà thấy lòng nóng, ruột gan cồn cào...".
|
Thảo nói: “Rồi chưa kể, nước ngập làm trôi hết cua tôm cá ở hồ nhà em mới nuôi nữa. Vậy là mất trắng, ba má chắc giờ này còn đang lao đao trên sông nước, vớt đồ đạc thả trôi sông không biết có tìm được chưa. Rồi không biết mấy nay ba má ăn uống thế nào, không đi chợ được không biết có lương thực gì để ăn qua ngày này không. Bây giờ nước vẫn chưa rút, nhà cửa trước sau tan hoang, cây cối tiêu điều. Biết đến bao giờ lũ mới chịu rút đây, xót quá”.
Dù là một chàng trai cứng rắn nhưng Ngọc Thái (quê ở Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng không cầm được nước mắt khi chia sẻ về quê em đang bị bão lũ: "Hồi bé, khi nghe tin bão đến, em mừng lắm vì mỗi lần có bão mình lại lon ton cầm rổ ra lượm những trái dừa khô mà thường ngày chờ mãi không rớt, được mang bao đi lượm cả đống ve chai. Giờ đi xa nghe bão vào là lòng thấp thỏm chỉ mong sao căn nhà xiêu vẹo gồng gánh qua được. Nhà mình không bị tâm bão vào nhưng nước ngập lênh láng, cá vào cả nhà. Mẹ và em phải di tản đi đến nhà cao hơn trú. Một mình ba ở nhà chống đỡ giữ tài sản, may nước vào chứ không cuốn đi gì cả. Nghe bão vào, mình cập nhật tin 15-20 phút 1 lần. Có môn học cũng chẳng đi học, chỉ ru rú trong gác trọ cầu nguyện. Mong bình yên cho gia đình và người dân quê mình. Quê đã nghèo mà quanh năm mưa bão. Giờ xa nhà chỉ biết rớt nước mắt”.
Cũng giống như Thái, từ nhỏ rất thích mưa lũ vì mỗi lần như vậy được nghỉ học, được nghịch đủ trò ngày mưa nhưng giờ lớn lên, học xa nhà mới thấy thương ba thương mẹ, thương quê nhà mỗi mùa nước lũ, cô nàng Huỳnh Như Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam) thổ lộ: “Nhà em giờ bị ngập tới bụng rồi. Lúc nghe tin nước lên nhanh mà không điện cho ba mẹ được, lòng cứ bồn chồn cả ngày. Không biết nước lớn đến đâu rồi, không biết nhà có dự trữ đồ chi ăn không,... nói chung cảm giác rất khủng khiếp, ngồi cũng không được, đứng cũng không yên, cứ hết đi vào lại đi ra. Tối đến ngủ cũng không được, điện thoại bật chuông 24/24, cứ khuya mà nghe điện thoại reo là giật mình. Chỉ muốn được về nhà ngay lập tức”.
Bình luận (0)