Bỏ một thủ tục, dệt may tiết kiệm ngàn tỉ: Có lợi cho dân thì làm!

16/10/2016 13:02 GMT+7

Đó ý kiến của bạn đọc về bài viết Bỏ một thủ tục, dệt may tiết kiệm ngàn tỉ và Tạo niềm tin cho doanh nghiệp trên Thanh Niên số phát hành ngày 15.10.

Hoan Nghênh
Bộ Công thương đã có bước đi cực kỳ tiến bộ khi gỡ bỏ Thông tư 37, thể hiện sự hướng đến lợi ích cộng đồng doanh nghiệp (DN) của bộ này. Xin hoan nghênh Bộ Công thương. Mong rằng đây là bước đi đầu tiên cho những bước đi kế tiếp của Bộ Công thương để gỡ bỏ hàng loạt quy định đang làm khó DN.
Nguyễn Vũ Thủy
(TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)
Người tiêu dùng cũng vui
Tôi là người tiêu dùng, đồng thời là người buôn bán trong ngành may mặc, khi nghe các DN dệt may tiết kiệm được ngàn tỉ đồng nhờ sự bãi bỏ, tinh giản một thủ tục hành chính mà thấy vui lây. Vui hơn nữa là sau sự đột phá về thủ tục này thì hy vọng giá cả của các mặt hàng dệt may sẽ giảm hơn, bởi DN giảm được chi phí cho thủ tục hành chính. Đây là điều giúp người tiêu dùng, người buôn bán mặt hàng dệt may hưởng lợi. Những gì có lợi cho DN, cho người tiêu dùng như thế này thì các bộ cứ làm và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ, vui mừng không chỉ từ DN mà còn của cả người dân, người tiêu dùng.
Nguyễn Ánh Tuyết
(Q.5, TP.HCM)
Còn nhiều việc phải làm
Việc thay thế Thông tư 37 của Bộ Công thương là điều rất tuyệt vời cho DN dệt may nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Bộ Công thương vẫn còn nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu quá mức, gây trở ngại, tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương nên rà soát lại tất cả các quy định, thủ tục và tiến đến việc gỡ bỏ một số quy định bất hợp lý, bị nhiều DN kêu ca, kiến nghị. Một khi Bộ tháo những “nút thắt” về quy định, chính sách thì DN sẽ có cơ hội phát triển, cạnh tranh hơn trên thương trường.
Huỳnh Minh Dũng
(Q.3, TP.HCM)
Lan tỏa
Việc bãi bỏ một thủ tục giúp DN dệt may tiết kiệm ngàn tỉ đồng thì thử hỏi bãi bỏ nhiều thủ tục bất hợp lý sẽ giúp DN tiết kiệm được bao nhiêu. Ấy chỉ mới là thủ tục liên quan đến DN dệt may, còn 7.000 điều kiện, thủ tục kinh doanh đối với các DN khác và nếu được bãi bỏ thì DN sẽ lợi nhiều lắm.
Hy vọng việc làm này của Bộ Công thương sẽ được lan tỏa đến các bộ, ngành khác. Một khi gỡ khó cho DN, DN sẽ thấy mình được quan tâm, giúp DN tin tưởng vào chính sách, quy định của nhà nước, của Bộ. Và quan trọng hơn là với những cái lợi về chi phí, DN sẽ có điều kiện phát triển kinh doanh, góp phần phát triển nền kinh tế nước nhà.
Trần Phương Nga
(Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Cần thiết nhưng hãy lắng nghe
Nhà nước, các bộ quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh là cần thiết, điều này giúp việc quản lý và kiểm soát các DN được tốt, hướng các DN bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, môi trường… Nếu không có các quy định cần thiết, chặt chẽ để “siết” DN thì vì lợi nhuận, nhiều DN sẽ dễ dàng xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên một điều kiện, một quy định phải đạt được hiệu quả quản lý lẫn bảo đảm được quyền lợi của DN. Đó là lý do nhà nước, các bộ phải lắng nghe ý kiến DN. Nếu điều kiện kinh doanh hay văn bản nào mà DN phàn nàn nhiều thì phải xem xét kỹ và thay đổi nếu thấy không phù hợp như trường hợp này.
Vũ Văn Minh
(P.8, Q.6, TP.HCM)
Toàn ngành dệt may tiết kiệm được khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm nhờ việc bãi bỏ một thủ tục hành chính. Điều có lợi cho DN như vậy thì nên làm sớm và làm nhiều hơn để DN hưởng lợi. Mà đâu chỉ DN trong ngành dệt may chịu nhiều chi phí cho thủ tục, còn nhiều DN ở nhiều lĩnh vực cùng chung số phận. Nếu các bộ đều đồng loạt thực hiện công việc ý nghĩa như thế này thì tốt cho DN và cả nền kinh tế.
Trần Văn Lời
(TP.Long Xuyên, An Giang)

Thủ tục, quy định làm khó DN luôn bị các DN kêu ca, mong mỏi sự thay đổi trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các bộ, lãnh đạo nhà nước. Và sự thay đổi này từ Bộ Công thương là một tín hiệu vui cho DN trong lĩnh vực dệt may cũng như mang đến niềm hy vọng cho nhiều DN ở các lĩnh vực khác. Hy vọng sự cải cách này sẽ được nhân rộng.

Phan Văn Kiên
(Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.