Bỏ ngành y để thi lại sư phạm: Cần 'lắng nghe' mình khi chọn ngành

Hà Ánh
Hà Ánh
09/09/2019 06:53 GMT+7

Sự việc thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay từ bỏ ngành y đa khoa sau 3 năm học tập cho thấy việc chọn ngành không phù hợp với bản thân không còn là cá biệt.

Thực tế hằng năm sau khi trúng tuyển đã có hàng trăm sinh viên xin chuyển đổi ngành học. Trong khi đó, có những người đi hết nửa chặng đường, thậm chí sau khi hoàn thành khóa học, mới nhận ra mình đã chọn sai ngành.

Bác sĩ thi lại công nghệ thông tin

“Nóng” trên các trang mạng những ngày qua là câu chuyện chuyển ngành học của tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Nguyễn Hoàng Gia Khánh. Ở tuổi 22, sau khi gần hoàn tất 3 năm ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM với kết quả học tập đạt loại giỏi, Khánh đã quyết xin bảo lưu 1 năm để ôn thi và nộp đơn xin nghỉ học khi trúng tuyển ngành sư phạm hóa học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với 28,05 điểm. Đáng nói, ngành học mới mà thí sinh này lựa chọn để làm lại cũng chính là ngành mà trước đó 4 năm từng trúng tuyển nhưng từ bỏ để chọn theo nghề y.
Trong ngày làm thủ tục nhập học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vừa qua cũng có trường hợp một thí sinh đã học hết năm thứ 3 ngành y khoa tại Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, còn có thí sinh đã hoàn thành 6 năm học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM để tham gia xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của trường.
Cũng trong năm học này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên có một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành sinh học nhưng vẫn tham gia xét tuyển để học ngành hóa học chỉ vì ngành này rất thích hợp với mình.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết năm nào trường này cũng có những sinh viên học bác sĩ đa khoa năm thứ 3, thứ 4 bỏ học để thi lại ngành hóa hoặc sinh học. Thậm chí có những sinh viên đã hoàn tất ngành khác nhưng vẫn đăng ký thi lại vào một ngành hoàn toàn mới thuộc chương trình đào tạo chính quy.

Chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề

Mất 4 - 6 năm để chọn lại ngành học là điều không đơn giản. Là một người trong cuộc, Nguyễn Hoàng Gia Khánh cho biết bản thân khi lựa chọn ngành bác sĩ đa khoa chưa hiểu gì về nó. Đến khi bước chân vào giảng đường, từ năm đầu tiên, Khánh đã nhận thấy bản thân không thực sự phù hợp với ngành học. Nhưng đến năm thứ 3 khi đối mặt với những buổi học thực tế trong bệnh viện thì khái niệm không phù hợp mới thực sự được khẳng định.
“Nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được”, Khánh nói.
Với những trải nghiệm trong công tác tuyển sinh, thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ: “Có nhiều trường hợp nguyện vọng đầu tiên, ngành ưu tiên số 1 là do bố mẹ lựa chọn và ngành thứ 2 mới là lựa chọn của các em. Khi đó, có những em đã theo học ngành cha mẹ mong muốn. Cũng có khi đó là lựa chọn nhưng thiếu tìm hiểu của bản thân sinh viên, chỉ khi đối mặt thực tiễn mới biết mình sai lầm”.

Không phải cái gì tốt với nhiều người cũng tốt với mình

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thực tế này cho thấy việc hướng nghiệp vẫn cần tiếp tục được điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vẫn còn bị sức ép của gia đình, của một luồng suy nghĩ phải là nghề này nghề khác. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: “Những học sinh giỏi vẫn còn định vị mình theo ngành tốp, ngành có vị thế, có đẳng cấp mà chưa thật sự lắng nghe mình”.
Thạc sĩ Phùng Quán thì rút ra rằng: “Khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, phụ huynh nên ngồi nói chuyện, trao đổi với con mình để tìm ra ngành học phù hợp cho con. Đừng bắt con theo ý cha mẹ. Nếu chọn sai thì có thể mất rất nhiều thời gian và công sức. Quan trọng là không phải cái gì tốt với nhiều người cũng tốt với mình”.

Ý kiến

Cần hiểu rõ năng lực thực tế
Các em đã hiểu rõ năng lực thực tế và điều kiện, hoàn cảnh của bản thân chưa? Đa số học sinh và sinh viên chưa làm được việc đó. Nếu trong quá trình học không còn thấy hứng thú, không cảm thấy đam mê thì cũng cần xem xét các yếu tố: nó đến từ bên trong bản thân mình, hay là do cách giảng dạy của giảng viên không thu hút, cách tổ chức đào tạo của trường...
TS Cổ Tấn Anh Vũ
(Trưởng bộ môn quản lý hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Đã lựa chọn hãy đi tới cùng
Không có công việc nào là phù hợp ngay từ ban đầu bởi lúc mơ ước và khi thực hiện là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn hãy đi tới cùng. Nếu đó là ước mơ thì người ta nhất định sẽ thực hiện bằng được. Trong trường hợp thấy lấn cấn, thấy không có hứng thú hoặc thiếu sự đam mê thì phải được nhận ra từ rất sớm bởi điều này không khó để nhận ra. Đừng để hết 3 - 4 năm học rồi mới lựa chọn lại, rất lãng phí thời gian và tiền bạc.
Vũ Thị Kim Ngân
 
(Thủ khoa khối C năm 2018 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.