Đầu giờ chiều 9.9, em Nguyễn Đức Đại (P.Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) mượn chiếc điện thoại thông minh của mẹ. Đại lấy giấy, bút và ngồi ở bàn chờ.
Loay hoay mãi mới vào được nhóm thì kết nối lại có vấn đề
Gần 30 phút, chị Nguyễn Thị Nhã (mẹ em Đại) cùng con loay hoay với các phần mềm, mật khẩu. Hơn 14 giờ, lần đầu tiên Đại kết nối trực tuyến vào nhóm Zoom lớp 6A3, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau khi giáo viên đánh số từng bạn vào phòng, Đại đã có tên trong danh sách (số 13) phòng họp Zoom. Cô giáo Đại dặn các bạn giữ im lặng, bật micro để điểm danh.
Hơn 30 phút, cô giáo điểm danh có 33 bạn lớp 6A3 tham gia nhóm Zoom. Trong khi đó, lớp của Đại có tổng cộng 44 học sinh.
|
Khi cô hỏi “còn thiếu ai không?” thì nhiều bạn chưa được điểm danh như Đại đồng loạt ý kiến. Ít phút sau, mạng chập chờn và chính thiết bị của cô giáo Đại không thể kết nối được nữa. Cô giáo nhắn trong nhóm Zalo của lớp rằng hôm nay chỉ điểm danh thôi, có gì cô sẽ thông báo sau.
Đại được mẹ đưa đến tựu trường ngày 3.9 và có vài tiếng đồng nhận lớp, cô chủ nhiệm và làm quen các bạn. Vì đăng ký muộn, Đại không có tên trong danh sách 15 bạn được chọn để tham dự lễ khai giảng ngày 5.9. Sau ngày khai giảng, mẹ Đại được thông báo cho con ở nhà vì các trường dừng dạy học.
Chị Nguyễn Thị Nhã tâm sự: "Năm đầu cấp mà cháu chưa quen lớp, quen bạn đã dừng học. Tôi thì không rành về thiết bị công nghệ nên gặp khó trong việc hướng dẫn cháu đăng nhập. Loay hoay mãi mới vào được nhóm thì kết nối lại có vấn đề. Không biết sắp tới cháu học hành có được không nữa"!
Phụ huynh và học sinh ở khu vực đô thị có thiết bị còn bỡ ngỡ thì khu vực vùng sâu, vùng xa như H.Đắk Glong (Đắk Nông) còn khó khăn hơn nhiều.Trong gần 22.000 học sinh của H.Đắk Glong, có gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, rất nhiều gia đình không có máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến.
|
Nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ
Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Glong, phương án dạy học trực tuyến cũng không phải dễ thực hiện bởi đâu chỉ phụ huynh và học sinh mà nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ khi sử dụng các phần mềm trực tuyến. Chưa kể là hạ tầng mạng còn yếu, khó duy trì kết nối liên tục được.
Hiện tại, Phòng GD-ĐT H.Đắk Glong đang tập huấn cho giáo viên và làm việc với các trường học để thống nhất phương án dạy học. "Trường nào có điều kiện thì tổ chức dạy trực tuyến, không đủ điều kiện thì tổ chức dạy kèm tại nhà cho học sinh. Với bậc học nhỏ hơn, Phòng GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với đài huyện tổ chức ghi hình các tiết học củng cố, phát trên sóng truyền hình để các em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận tại nhà", ông Đoàn Văn Phương chia sẻ thêm.
Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã quyết định dừng dạy học trực tiếp tất cả các trường của tỉnh từ 7.9. Đối với bậc mầm non và tiểu học, các cơ sở giáo dục phối hợp với phụ huynh hỗ trợ các em tự học tại nhà. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường ở bậc THCS và THPT chuẩn bị điều kiện cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, đơn vị đã rà soát, thống kê khả năng tham gia dạy học trực tuyến tại các nhà trường. Qua rà soát, tỷ lệ học sinh có thể học trực tuyến tại các trường THPT đạt khoảng 80%; các bậc học khác có tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Đối với các học sinh có thiết bị, có điều kiện để học trực tuyến, các trường sẽ tổ chức dạy kiến thức cơ bản ở các bộ môn ưu tiên. "Các học sinh không thể tham gia học trực tuyến, giáo viên áp dụng hình thức giao phiếu bài tập qua các kênh thông tin như: email, Zalo… Khi có điều kiện học tập trung, nhà trường phân loại học sinh để tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cho các em một cách phù hợp", ông Nguyễn Văn Toàn thông tin.
Bình luận (0)