Bộ Ngoại giao lưu ý công dân về việc trục lợi từ các chuyến bay giải cứu

20/01/2022 19:31 GMT+7

Chiều 20.1, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã khuyến cáo công dân không liên hệ với các nhóm hay cá nhân nào về các chuyến bay, nhằm tránh bị trục lợi.

Lên án hành vi trục lợi từ các chuyến bay giải cứu

Trước câu hỏi của các phóng viên về việc người Việt Nam về nước theo chuyến bay giải cứu phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra khuyến cáo về việc này.

Các nhân viên y tế thông báo quy trình cách ly cho hành khách trên chuyến bay từ Narita (Nhật Bản) tại sân bay Nội Bài

đậu tiến đạt

“Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào”, bà Hằng lưu ý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin thêm, trong 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, đã có hơn 800 chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam từ hơn 60 vùng lãnh thổ về nước.

TP.HCM ghi nhận thêm 3 ca Covid-19 từ chùm ca biến chủng Omicron trong cộng đồng

Tạo điều kiện tối đa cho người nhập cảnh

Cũng tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm về thủ tục nhập cảnh cho người Việt Nam và nước ngoài.

Ngày 18.1, Chính phủ đã đồng ý với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân chỉ cần có giấy miễn thị thực còn giá trị, kể cả được cấp từ trước khi xảy ra đại dịch là được nhập cảnh, không phải làm thủ tục kiểm tra nhân sự cấp thị thực, giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành địa phương.

Hành khách từ Nhật Bản về sân bay Nội Bài

đậu tiến đạt

Thông tin thêm về chỉ đạo của Chính phủ ngày 18.1, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ đã chấp thuận kiến nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an về việc tạo điều kiện cho người nước ngoài và người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, với người đã có giấy tờ còn giá trị nhập cảnh Việt Nam như thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực hoặc giấy miễn thị thực thì được nhập cảnh theo quy định của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để tìm hiểu thị trường, làm việc, đầu tư, lao động, dự hội nghị, hội thảo, học tập nhưng chưa có các giấy tờ nêu trên thì cần phải xin phê duyệt của UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành... trước khi làm thủ tục bảo lãnh, cấp thị thực nhập cảnh theo quy định của điều 16 luật Xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký.

Bên cạnh đó, trước và sau khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có các yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.

10 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam

Tại họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết:

Ngày 23.12.2021, Bộ Y tế đã ban hành mẫu hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã giới thiệu mẫu giấy tờ này với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để xem xét công nhận. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã vận động các nước sở tại để chính thức công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.

Hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives công nhận.

Việt Nam cũng đã công nhận hộ chiếu vắc xin, hay giấy chứng nhận tạm thời của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.