Giám đốc sở cũng phải đưa vào diện lấy phiếu
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng nên tiến hành lấy phiếu với các chức danh chủ chốt, nắm các vị trí quan trọng, nắm nhiều tiền. Nghĩa là những chức danh dễ có cơ hội tham nhũng. Trưởng đoàn đại biểu QH Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nêu quan điểm: Đối với QH, đối tượng là các ủy viên thường vụ, ngoài ra do một số chủ nhiệm các ủy ban không “có chân” trong thường vụ cũng cần được lấy phiếu. Đối với Chính phủ gồm thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng. Cấp tỉnh, thành phố gồm thường trực HĐND, các trưởng ban của HĐND; chủ tịch UBND tỉnh...
|
|
Tuy nhiên, ở cấp này cần bổ sung giám đốc tất cả các sở và tương đương, vì có thể đối tượng này không phải ủy viên của UBND. Nhưng lý do quan trọng hơn là theo ĐB Thanh, một số chức vụ như giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, kiến trúc sư trưởng (đối với thành phố lớn có chức danh này)… rất dễ tham nhũng, đều là chức vụ quan trọng, tác động đến đời sống người dân rất lớn, nên cần phải được đưa vào diện lấy phiếu. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng không thể bỏ sót một số chức danh giám đốc sở, ban ngành vì vị trí này dễ tham nhũng lại gần dân nhất. Thực tế, có tới 60-70% bức xúc của người dân tập trung ở các bộ phận này.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng tán thành việc nên đưa giám đốc sở vào diện lấy phiếu tín nhiệm. “Ở địa phương, giám đốc sở mới là quan trọng. Vì vậy, nên có hình thức nào đó đối với địa phương nếu có khuyến nghị của ĐB HĐND với chức danh giám đốc sở thì phải có cơ chế để xem xét tín nhiệm".
Hình thành văn hóa từ chức
Về hình thức lấy phiếu và mức độ tín nhiệm, các ĐB đều nhất trí chỉ quy định tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, tránh bỏ phiếu cảm tính, và cũng dễ dàng hơn trong khâu xử lý kết quả. “Cá nhân người được bỏ phiếu cứ dưới quá bán sau khi lấy phiếu tín nhiệm được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm nếu tiếp tục dưới quá bán nữa thì lập tức bị bãi nhiệm. Như vậy cũng là công bằng và hợp lý vì đã được qua 2 lần để làm căn cứ, một lấy phiếu, một bỏ phiếu”, ĐB Nguyễn Bá Thanh đề nghị. Ông Thanh nói: "Ban kiểm phiếu của QH và HĐND phải kiểm phiếu và công bố luôn tại chỗ, không cần giấu giếm, cũng không phải ôm thùng phiếu về, tránh nghi ngờ nhau, dư luận không tốt, đảm bảo công khai minh bạch".
ĐB Bùi Thị An đề nghị: Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ mà số phiếu tín nhiệm thấp, nếu chưa bãi miễn được thì nên vận động đồng chí đó từ chức. “Văn hóa từ chức của chúng ta chưa có, nhân việc làm này cần phải hình thành. Không nên quan niệm là không có người thay thế, chúng ta có quy hoạch nên không sợ thiếu người thay thế. Nếu không đủ tư cách thì kiên quyết nên thay".
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, nếu chức danh nào trên 50% không tín nhiệm thì đề nghị vị đó thôi chức, còn 50% không tín nhiệm hoặc quá 2/3 là tín nhiệm thấp cũng nên thôi, có thể gợi ý từ chức, nếu lấy phiếu hai năm liền tín nhiệm dưới 50% cũng đề nghị thôi.
Cần mở rộng (ĐB Đỗ Văn Đương) Mới mẻ (ĐB Phạm Quang Nghị) |
Hiến pháp sửa đổi mở rộng quyền của Chủ tịch nước Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần đầu tiên đã được trình Quốc hội tại phiên họp sáng 29.10. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo lần này đã giảm 1 chương, 21 điều, giữ nguyên 18 điều, sửa đổi 95 điều và bổ sung 13 điều mới. Vẫn giữ quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh quốc gia, song dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quyền của Chủ tịch nước trong quyết định phong hàm cấp sĩ quan, cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân, bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN cho Chủ tịch nước. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng đã bổ sung thêm thẩm quyền của Chủ tịch nước bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ hơn mối quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động lập pháp; phát huy tốt hơn cơ chế kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. So với quy định tại điều 4 của Hiến pháp 1992 là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong Hiến pháp hiện hành được sửa đổi thành: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hiến pháp sửa đổi cũng quy định rõ các điều về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân; bảo vệ bí mật riêng tư của công dân; giữ nguyên quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Lần sửa đổi này, Hiến pháp tiếp tục quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo nghị trình, kỳ họp này QH sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự thảo sẽ tiếp tục được trình tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2013) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2013). Bảo Cầm |
Ông Đặng Thành Tâm dự họp Sau khi có đơn xin nghỉ họp cả kỳ họp thứ 4 và được Chủ tịch Quốc hội chấp thuận, sáng qua, 29.10, ông Đặng Thành Tâm (ĐBQH TP.HCM) bất ngờ trở lại nghị trường để tham dự kỳ họp. So với hình ảnh xuất hiện tại kỳ họp QH trước, ĐB Tâm đã gầy đi trông thấy, dáng vẻ mệt mỏi và gần như bỏ qua mọi câu hỏi của báo giới. Ông chỉ thông tin ngắn gọn là dù ốm nhưng cố gắng đi họp. Tại phiên thảo luận tổ chiều qua, ông Tâm có mặt rất sớm nhưng không phát biểu ý kiến và đã rời phòng họp trước giờ giải lao giữa buổi.
Trước đó, ngay sát thềm kỳ họp QH, ông Tâm đã có đơn gửi Vụ Công tác đại biểu, Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng để xin nghỉ cả kỳ họp với lý do sức khỏe không đảm bảo. Đơn của ông Tâm đã được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chấp thuận, theo xác nhận của Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Trao đổi với Thanh Niên chiều tối qua về sự trở lại tham dự kỳ họp của ĐB Tâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết mặc dù ĐB đã có đơn xin nghỉ, được Chủ tịch QH chấp thuận, nhưng khi ĐB cố gắng quay trở lại kỳ họp để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH thì đó là điều đáng hoan nghênh. Việc quay trở lại kỳ họp của ông Tâm không cần phải qua thủ tục xin phép hay thông báo bắt buộc nào khác. Bảo Cầm |
T.Nguyễn - Ng.Minh - A.Vũ
>> Đề xuất chỉ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10
>> Bỏ phiếu tín nhiệm như “thượng phương bảo kiếm”
>> Bỏ phiếu tín nhiệm: Chậm thực hiện là có lỗi với dân
>> “Tháo khóa, rộng cửa” để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm
>> Đề nghị bỏ quy định 20% ĐBQH yêu cầu mới bỏ phiếu tín nhiệm
Bình luận (0)