Bỏ quy định chương trình chất lượng cao: Vướng vấn đề học phí

Quý Hiên
Quý Hiên
22/06/2023 06:05 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định về chương trình chất lượng cao sẽ khiến một số trường đại học gặp khó khăn về xác định học phí.

Như Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 15.6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT (được ban hành từ năm 2014) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (ĐH).

Nhiều cơ sở đào tạo ĐH cho biết với sự ra đời của luật Giáo dục ĐH (GDĐH) bổ sung, sửa đổi năm 2018, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH. Các trường ĐH có thể dùng khái niệm "chất lượng cao" để đặt tên cho chương trình của mình, mà không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là trường ĐH phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó.

NHIỀU TRƯỜNG KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG

Theo PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo cũng như tuyển sinh, đào tạo trong năm 2023 và những năm tới của các chương trình chất lượng cao tại trường.

Bỏ quy định chương trình chất lượng cao: Vướng vấn đề học phí - Ảnh 1.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những cơ sở đào tạo có chương trình chất lượng cao

TOÀN NGUYỄN

Các chương trình chất lượng cao của trường được xây dựng với chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn so với chương trình tiêu chuẩn, và đáp ứng ở mức độ cao vượt trội so với các chuẩn quy định tại Thông tư 23. Nhà trường sẽ liên tục cải tiến, cập nhật các chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng tích hợp các chuẩn quốc tế vào các trụ cột chuyên môn của chương trình, tăng tính linh hoạt, lồng ghép các mô hình khai phá năng lực sáng tạo và kỹ năng làm việc thực chiến trong môi trường quốc tế của sinh viên (SV). Trường cũng đã định vị rõ ràng các chương trình chất lượng cao và sẽ đẩy mạnh công nhận lẫn nhau với các trường ĐH/tổ chức nước ngoài có uy tín trên thế giới.

PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết các chương trình chất lượng cao của trường đã có SV tốt nghiệp đều thực hiện kiểm định quốc tế, và đáp ứng các yêu cầu của một chương trình đào tạo theo quy định. Vì thế, trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi có luật GDĐH sửa đổi năm 2018, ĐH này cũng có chương trình chất lượng cao nhưng được gọi tên bằng khái niệm ELITECH (viết tắt của cụm từ Elite Technology Program). Đây là chương trình đào tạo có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của trường về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại. ELITECH bao gồm các chương trình có bề dày lịch sử như chương trình tài năng, chương trình Việt Pháp, chương trình tiên tiến.

Việc thu học phí của chương trình ELITECH chủ yếu dựa vào đề án chương trình tiên tiến (được thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2016), trường được phép tự xác định chi phí đào tạo, từ đó công bố mức học phí (trên cơ sở mức thu được xã hội chấp nhận) trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển. Sau đó trường thực hiện đề án thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP (do Chính phủ ban hành ngày 24.10.2014, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017).

Khi thực hiện luật, ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện chương trình ELITECH. "Trên phạm vi toàn quốc, Thông tư 23 định nghĩa thế nào là chất lượng cao, để từ đó được thu học phí cao. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dựa vào một số nội dung cốt lõi để đưa ra quy định về chương trình ELITECH. ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị tự chủ, nên được tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo kèm theo các mức học phí phù hợp với từng chương trình. Vì thế, việc Bộ bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng tới hoạt động tuyển sinh, đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội", PGS Điền chia sẻ.

Bỏ quy định chương trình chất lượng cao: Vướng vấn đề học phí - Ảnh 2.

Với các trường ĐH công lập chưa tự chủ hoặc mới tự chủ một phần thì việc Bộ GD-ĐT bãi bỏ Thông tư 23 sẽ nảy sinh vấn đề về xác định mức thu học phí

TOÀN NGUYỄN


XÁC ĐỊNH HỌC PHÍ RA SAO ?

Theo quy định của Nghị định 81, các trường ĐH tự chủ về chi thường xuyên sẽ được thu học phí với mức tối đa bằng 2 lần mức trần học phí so với trường chưa tự chủ; còn trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được thu mức gấp 2,5 lần. Đây là một quy định giúp các trường tự chủ thuận lợi trong việc quy định mức học phí với các chương trình chất lượng cao, khi mà nhiều trường áp dụng mức thu với các chương trình đại trà dưới trần khá nhiều so với Nghị định 81. Như vậy, một trường tự chủ có thể đặt ra các mức thu cao thấp khác nhau, phù hợp với chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao, mà vẫn hoàn toàn nằm trong quy định của Nghị định 81.

Tuy nhiên, với các trường ĐH công lập chưa tự chủ hoặc mới tự chủ một phần thì việc Bộ GD-ĐT bãi bỏ Thông tư 23 sẽ nảy sinh vấn đề về xác định mức thu học phí. Thông tư 23 cho phép trường ĐH được phép tự xác định mức học phí cho chương trình chất lượng cao trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học"; trường ĐH được phép xây dựng lộ trình điều chỉnh mức học phí cho những khóa học tiếp theo (nếu cần thiết)… Giờ bãi bỏ Thông tư 23, trường phải thu học phí theo Nghị định 81. Theo đó, các trường chưa tự chủ sẽ phải thu học phí theo quy định khung của Chính phủ. Nếu chương trình đào tạo nào đã đạt kiểm định thì trường ĐH mới tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường mình ban hành.

TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết hiện nay trường có 10 chương trình chất lượng cao, nhưng mới một nửa trong số này đã được kiểm định. Một nửa số chương trình chất lượng cao còn lại mới mở được 2 - 3 năm nay. Trong khi đó, theo quy định, với những chương trình đào tạo mới mở thì sau khi có SV tốt nghiệp mới đủ điều kiện để được kiểm định.

"Theo lộ trình, Trường ĐH Giao thông vận tải đến tháng 12 sẽ được giao quyền tự chủ, trong khi việc bãi bỏ Thông tư 23 đến tháng 12 mới có hiệu lực. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, Trường ĐH Giao thông vận tải vẫn duy trì được tất cả các chương trình chất lượng cao hiện nay. Còn nếu không thì phải nghỉ tuyển sinh cho đến khi được tự chủ, vì đây là những chương trình được đầu tư cao, trường không thể duy trì nếu không có nguồn kinh phí", TS Thanh Hà chia sẻ. 

Gỡ khó cho các đơn vị còn vướng quy định

PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng dù việc bãi bỏ Thông tư 23 là đúng luật, nhưng một số cơ sở đào tạo ĐH sẽ gặp khó khăn do chưa có các quy định phù hợp. Đặc biệt với các ĐH quốc gia, là các đơn vị có nhiệm vụ đào tạo thí điểm các ngành đào tạo mới. Vì thế phải sau một thời gian nhất định thì các chương trình này mới được kiểm định.

"Có nhiều cách xác định chất lượng chương trình của một đơn vị đào tạo, để từ đó cho thấy họ có được tự xác định mức thu học phí theo Nghị định 81 hay không. Đạt kiểm định cũng là một cách. Nhưng theo tôi, có nhiều cách khác, thậm chí còn khó hơn, chẳng hạn như xếp hạng ĐH. Thứ 2, với các chương trình mới mở, thì cho phép trường tham gia kiểm định chương trình đào tạo với các cơ sở kiểm định nước ngoài tuy rất có chất lượng nhưng không yêu cầu phải có SV tốt nghiệp rồi mới kiểm định. Họ kiểm định chương trình dựa trên tổng thể các chương trình khác của cơ sở đào tạo, và họ có phương pháp để xác định chương trình mới mở đó có tốt hay không", PGS Hoàng Hải đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.