Quyết chí làm nông dân
Tốt nghiệp Trường Đại học công nghiệp Sài Gòn, anh Mai Xuân Sư (36 tuổi, quê ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) tìm được việc làm ổn định tại TP.HCM. Sau 4 năm mưu sinh ở Sài Gòn, anh về quê thuê gần 1,5 ha đất cát bạc màu gầy dựng trang trại.
|
Người thân phản đối. Cha anh giận hờn: "Ăn học chi giờ về làm vầy?". Nhiều người hàng xóm can ngăn vì cho rằng anh sẽ thất bại. Có người cho anh là "ngu dại mới làm như thế, đất cát thiếu nước tưới nên bao đời có ai trồng cây tươi tốt đâu".
Anh âm thầm chịu đựng những lời gièm pha, cắm cúi phát quang bụi bờ và dọn sạch cỏ dại sau bao ngày mưa nắng.
"Lúc ảnh nói ý định bỏ việc về quê em cũng can ngăn và lo lắng lắm. Nhưng ảnh nhất quyết vậy thì mình cũng phải gắng sức làm thôi...", vợ anh là chị Đỗ Thị Xuân Nghi bộc bạch.
"Tôi nghĩ không nhất thiết phải bám trụ thành phố. Về quê cũng được mà!", anh tươi cười góp chuyện.
|
Ban đầu, anh khoan giếng bơm nước trồng dưa hấu, của sắn và khoai mì. Nhờ chăm chỉ và may mắn, anh liên tiếp trúng đậm dưa hấu với khoản lãi hàng trăm triệu đồng. Anh thuê thêm 2 ha đất cát và xây dựng trang trại nuôi trồng với phương châm "lấy ngắn nuôi dài".
Anh trồng các loại rau xen với cây ăn trái: ổi, mãng cầu, đu đủ... và chăn nuôi gà, bò. 10 giếng khoan cùng hệ thống tưới phun mưa giúp anh giảm công lao động, tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.
"Tôi thường lên mạng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để áp dụng vào công việc. Qua đó, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi", anh tâm sự.
Quả ngọt trên cát trắng
Khu vực Đồng Trim hoang vu thuở trước giờ được phủ màu xanh tươi mát. Rau bồ ngót, sả, nha đam... xanh mướt trong nắng vàng. Những hàng cà chua, ớt trái lúc lỉu trông thật bắt mắt. Những quả ổi, mãng cầu được anh bọc màng xốp ngăn côn trùng gây hại. Sớm tinh sương, anh điều khiển xe máy chở rau đến bán cho các tiểu thương ở chợ Đức Phổ thu về 200.000 - 300.000 đồng.
Dịp Tết vừa qua, vợ chồng anh thu hơn 200 triệu đồng từ 5 sào đất trồng mãng cầu. Ổi cùng dưa hấu và kiệu đem lại khoản thu nhập khá cao. Rau quả canh tác theo mô hình thực phẩm sạch nên được khách hàng ưa chuộng.
"Tôi thường theo dõi thông tin dự báo tình hình nông sản để tránh gặp phải tình trạng ế ẩm. Nhưng có nhiều lúc thu hoạch dưa hấu cũng lo lắng lắm và may mắn là bán được giá...", anh bộc bạch.
|
Xã Phổ Cường có gần 7.400 người (gần 46% dân số) rời quê đến nơi khác tìm kế mưu sinh. Anh Sư ngược hướng với bao người, trở về quê mưu sinh trên vùng cát trắng bạc màu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Trang trại của anh được nhiều nông dân đến học hỏi và áp dụng vào sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương. Phương pháp lắp đặt ống nhựa bơm nước tưới phun mưa được nhân rộng trên địa bàn.
"Anh Sư chịu khó tìm tòi, học hỏi và gầy dựng trang trại trên đất cát cằn cỗi bước đầu đem lại hiệu quả. Sự nỗ lực của anh được Hội đánh giá cao, là điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", ông Võ Minh Châu (Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Đức Phổ) khẳng định.
Bình luận (0)