Bộ sẽ 'độc quyền' dữ liệu xét tuyển ?

21/07/2016 05:07 GMT+7

Thông tin về việc Bộ GD-ĐT thông báo sẽ khóa phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến không cho các trường tiếp cận dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường tới tận tối 12.8 ngay lập tức đã gây bức xúc cho các trường.

Trường bị động trong xét tuyển
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trường đã chuẩn bị phần mềm riêng để thí sinh (TS) có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến. Tuy nhiên mới đây, Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT thông báo cho chúng tôi biết, toàn bộ dữ liệu của TS xét tuyển vào các trường sẽ được khóa lại, tối 12.8 Bộ mới mở để các trường tiếp cận dữ liệu của TS đăng ký vào trường mình”.
Trước thông tin này, đại diện các trường ĐH hết sức lo lắng và không đồng tình, vì như vậy là vi phạm vào quyền tự chủ tuyển sinh, khiến các trường hoàn toàn bị động trong việc xét tuyển.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: “Nếu Bộ lại quyết định khóa dữ liệu của TS, không để các trường tiếp cận thông tin của TS nộp hồ sơ vào trường thì việc xét tuyển sẽ vô cùng khó khăn. Lúc đó các trường không biết gì về TS và cũng không thể lường được tỷ lệ ảo. Theo quy chế, TS được nộp vào 2 trường trong đợt đầu nhưng không ít trường hợp các em đăng ký tới 3, 4 trường. Lúc này, 2 trường nào nhập thông tin của TS trước sẽ được, các trường còn lại bị vô hiệu. Khi Bộ khóa dữ liệu thì việc nhập dữ liệu TS sẽ được thực hiện như thế nào?”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lo ngại: “Bộ yêu cầu công bố điểm trúng tuyển đợt 1 trước ngày 14.8, trong khi hết ngày 12.8 Bộ mới mở dữ liệu cho các trường truy cập, thì liệu các trường có xử lý kịp trong ngày 13 để công bố danh sách trúng tuyển vào ngày 14. Chúng tôi rất muốn biết TS của mình còn nộp vào trường nào khác. Khóa dữ liệu TS thì các trường không khác gì đang “đánh xổ số”...”.
Đại diện các trường cũng cho biết, đến thời điểm này, phần mềm xét tuyển được sử dụng như thế nào, chạy có tốt không... hoàn toàn vẫn còn rất mơ hồ. Nhiều trường đề nghị Bộ cung cấp tài khoản và mật khẩu để thao tác thử nhưng không được chấp nhận.

tin liên quan

Xem điểm thi THPT quốc gia 2016 trên Thanh Niên Online
Chậm nhất ngày 20.7 các cụm thi phải chấm thi xong, sau đó gửi kết quả về Bộ GD-ĐT để đối sánh dữ liệu hoàn thiện chuẩn cơ sở dữ liệu chung trong cả nước và giao lại các cụm thi để công bố kết quả.

Thí sinh không thể theo dõi tình hình
Cán bộ đào tạo một trường ĐH cho rằng, nếu Bộ khóa dữ liệu và trường không biết được thông tin TS đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường thì sẽ không công bằng với các trường. Người này nói: “Năm nay nếu hệ thống này bị khóa, trường chỉ có thể tiếp cận dữ liệu TS đăng ký vào trường ở ngày cuối cùng đợt xét tuyển. Cách làm này thực chất là Bộ đang “độc quyền” dữ liệu xét tuyển vì đến thời điểm này, chỉ Bộ mới có được dữ liệu tổng thể của TS còn những trường chủ trì cụm thi chỉ có trong tay dữ liệu TS cụm đó”.
Đại diện một trường ĐH khác lại lo lắng: “Nếu Bộ khóa dữ liệu, các trường sẽ không làm được gì trong suốt thời gian 12 ngày của đợt xét tuyển. Vấn đề đặt ra sau đêm 12.8 là mạng phải lưu thông tốt, tránh nghẽn mạng vào thời gian cao điểm để dữ liệu kịp thời chuyển về cho trường, vì theo điều chỉnh thời gian xét tuyển mới đây, các trường phải xử lý và công bố kết quả trúng tuyển trong thời gian rất ngắn”.
Điều này còn vô lý ở chỗ, Bộ yêu cầu các trường hằng ngày phải cập nhật danh sách TS nộp hồ sơ vào trường để TS và phụ huynh nắm rõ dù không được rút hồ sơ. Việc khóa dữ liệu không chỉ khiến các trường bị động mà TS cũng không thể biết được mình đang nằm ở vị trí nào trong danh sách. Nếu khóa dữ liệu thì sẽ hoàn toàn đi ngược lại với yêu cầu công bố kết quả hằng ngày mà Bộ yêu cầu.
Không chỉ TS, các trường dù muốn cũng không thể thống kê, công bố tình hình xét tuyển từng ngành để TS có thể theo dõi.

tin liên quan

Điểm chuẩn sẽ giảm mạnh?
Dù Bộ GD-ĐT chưa công bố phổ điểm chung nhưng dựa trên số liệu thống kê, lãnh đạo các cụm thi đều nhận định phổ điểm trung bình năm nay thấp hơn năm ngoái. 

Dữ liệu sẽ lộn xộn ?
Trước đó ngày 18.7, trong công văn gửi các trường ĐH và sở GD-ĐT về công bố kết quả thi và điều chỉnh lịch xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD-ĐT đã thông báo rõ về địa chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến. Theo văn bản này, Bộ đề nghị hiệu trưởng các trường và giám đốc các sở thông báo rộng rãi cho TS và phụ huynh biết để truy cập trực tiếp vào địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Trước thông báo này, đại diện các trường băn khoăn về việc sử dụng phần mềm nào để nhận hồ sơ xét tuyển.

Lãnh đạo một trường ĐH thì phân tích, với yêu cầu này thì thực tế năm nay TS sẽ có tới 4 cách thức nộp hồ sơ xét tuyển. Trong đó, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại địa chỉ trên vào hệ thống của Bộ thì TS vẫn còn 3 hình thức khác khi đăng ký với trường cụ thể: nộp trực tiếp tại trường, gửi qua bưu điện và đăng ký trực tuyến trên website của trường đó. Tuy nhiên trong 4 cách này thì việc đăng ký trực tiếp vào hệ thống của Bộ được ví như “đại lý cấp 1”, 3 hình thức còn lại được xếp ở “đại lý cấp 2”. Bởi lẽ, dù TS đăng ký theo cách nào thông qua trường thì trường bắt buộc vẫn thực hiện thao tác nhập dữ liệu TS vào hệ thống của Bộ. “Trường hợp TS đăng ký nhiều hình thức, thông tin giống nhau và đảm bảo không quá 2 trường (mỗi trường 2 ngành) thì không vấn đề gì. Nhưng nếu TS đăng ký nhiều lần, thông tin các lần đăng ký không trùng khớp thì chỉ thông tin được nhập trước vào hệ thống của Bộ mới có giá trị. Vì vậy, dù TS đó đã nộp hồ sơ trước tại trường nhưng trường chưa nhập vào hệ thống, TS vẫn đăng ký nguyện vọng vào trường khác qua hình thức trực tuyến thì thông tin trường nhập sau sẽ không có giá trị. Tóm lại sẽ có nhiều khả năng xảy ra tình trạng lộn xộn về dữ liệu TS nếu áp dụng quy định xét tuyển này”, lãnh đạo này nhấn mạnh.
Trường ĐH Luật TP.HCM thông báo lại điểm thi
Ngày 20.7, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết do lỗi kỹ thuật khi quy đổi điểm nên điểm thi công bố trước đó của trường có nhiều điểm nhầm lẫn. Chẳng hạn, điểm thi môn tiếng Anh trước đó công bố cao bất thường. Vì vậy, trường đã đối chiếu để công bố lại điểm thi. TS có thể xem điểm thi chính xác của Trường ĐH Luật TP.HCM tại đây.
Sáng qua, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chính thức công bố điểm thi. Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, cụm thi có tổng cộng 14.093 TS thi môn toán, trong đó có một TS đạt 9,75 điểm. Có đến 717 TS điểm từ 0 đến 2, mức điểm từ 5 - 7 chiếm khoảng hơn 40%. Trong khi đó, môn văn có một TS đạt điểm 9 và nhiều TS dưới điểm trung bình nhất, chiếm hơn 50%. Môn hóa và sinh có rất nhiều TS điểm dưới trung bình. Môn tiếng Anh nhiều TS điểm 0 - 2 nhất.
Đăng Nguyên - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.