Bộ Tài chính đã sẵn sàng '60.000 tỉ đồng để tăng lương cơ sở từ 2023'

Mai Hà
Mai Hà
29/10/2022 17:01 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở đã được cân đối, theo tính toán cần khoảng 60.000 tỉ đồng cho chi phí tăng lương.

Chiều nay 29.10, trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về nguồn lực chi cho việc tăng lương cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

gia hân

Theo ông Chi, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW của T.Ư năm 2018 về chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan sắp xếp, bố trí nguồn lực sẵn sàng. Các giải pháp tập trung chủ yếu từ tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên.

“Đến hết 2021, theo Bộ Tài chính nắm được, chúng ta có nguồn từ ngân sách địa phương trên 290.000 tỉ và ngân sách T.Ư là 43.000 tỉ phục vụ cho chính sách tăng lương”, ông Chi nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở thêm 20,8% từ 1.7.2023.

Theo tính toán chi phí phát sinh cho việc tăng lương cơ sở bao gồm cả lương hưu, an sinh xã hội, phụ cấp nghề... cần khoảng 60.000 tỉ đồng cho chính sách này sau khi Quốc hội phê duyệt. “Chúng ta hoàn toàn chủ động về nguồn tài chính cho quyết sách tăng lương cơ sở”, ông Chi nói.

Nghị trường nóng hổi chuyện ‘cán bộ đi lững thững’ và nỗi lo ‘giá chạy trước lương’

Sẽ giữ thị trường chứng khoán "ổn định"

Liên quan đến thị trường chứng khoán, theo ông Nguyễn Đức Chi, vĩ mô nền kinh tế đang tiếp tục được giữ ổn định, đây là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng cũng như ổn định thị trường chứng khoán.

Nhưng diễn biến thực tế có điều chỉnh giảm, có phiên giảm sâu, hiện Vnindex dao động ở mức 1.000 điểm.

Lý giải cho diễn biến của thị trường, theo ông Chi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những ảnh hưởng khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ, tài khoá thay đổi nhiều, thị trường chứng khoán các nước cũng biến động mạnh.

“Dòng tiền vào chứng khoán giảm từ đầu năm tới nay. Tiền hướng tới các tổ chức tín dụng do lãi suất tăng, cũng như đưa vào sản xuất kinh doanh khi kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19”, ông Chi nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định “tin vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cơ sở ổn định vĩ mô của nền kinh tế”.

Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giữ thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn trong mọi tình huống. Tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu nghiêm các doanh nghiệp công bố thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không trình bày nhiều, vi phạm là xử lý.

Đặc biệt, theo ông Chi, sẽ tập trung nguồn lực tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, nhà đầu tư giao dịch... phát hiện các vi phạm, xử lý và công bố công khai. Với các vụ việc nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét thêm.

“Việc tung tin đồn, tung tin trục lợi sẽ kiến nghị Bộ TT-TT, Bộ Công an xử lý nghiêm. Vừa rồi, có những vụ việc phải truy tố và chịu án tù”, ông Chi nói.

Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại luật Chứng khoán dù luật này mới đưa vào một thời gian ngắn, để đáp ứng nhu cầu phát triển; tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán...

Đại biểu quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đề nghị sớm tăng lương cơ sở để người lao động có "niềm vui trọn vẹn"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.