Bộ Tài chính kiến nghị EVN giảm giá điện, không ‘treo’ lỗ

10/04/2020 11:42 GMT+7

Việc giảm giá điện hỗ trợ doanh nghiệp , người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19 là cần thiết, song Bộ Tài chính cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán lại chi phí đầu vào, cân đối phương án tránh để thua lỗ.

Kiến nghị trên được Bộ Tài chính nêu ra trong báo cáo gửi Chính phủ về các giải pháp chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ngày 1.4, EVN có Công văn số 2015/EVN-KD báo cáo chương trình giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19, với mức giảm từ 10%, 50% đến 100% cho một số đối tượng trong 6 tháng (từ tháng 4 - 9.2020). Tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỉ đồng.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng có Báo cáo số 22/BC-BCT ngày 1.4 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm 10 - 20% giá điện cho một số đối tượng, thời gian áp dụng 3 tháng (từ tháng 4 - 7.2020), với tổng mức hỗ trợ khoảng 11.000 tỉ đồng. 

Người dân mong giá điện giảm từng ngày

Ảnh Ngọc Thắng

Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, Bộ Công thương là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện. Qua rà soát cả 2 phương án trên, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN (qua đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán).
Mặt khác, điện thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ nhà nước bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ”.
“Vì vậy, EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá”, Bộ Tài chính kiến nghị.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị EVN cần tiến hành rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào.
Qua rà soát sơ bộ cho thấy giá dầu thời gian qua đã giảm, theo đó giá khí được tính bằng 46% HSFO cũng đã giảm sâu. Đối với các mặt hàng khác như than, gas, xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường; trong đó, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4 và đã giảm sâu trong tháng 2 và tháng 3 năm 2020.
Giá điện sẽ giảm như thế nào?
Với khách hàng là hộ gia đình, Bộ Công thương đề nghị giảm 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Theo sản lượng tiêu thụ điện các năm trước thì số tiền được giảm là gần 3.000 tỉ đồng.
Bộ Công thương cho rằng, các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công thương muốn giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, giá điện sinh hoạt của người dân vẫn đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau với đơn giá tăng lũy tiến theo từng bậc. Từ 0 - 5 kWh giá là 1.678 đồng/kWh; 51 - 100 kWh có giá 1.734 đồng/kWh; 101 - 200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh; 201 - 300 kWh giá 2.834 đồng/kWh...
Cụ thể hơn, những hộ đang sử dụng trong 50 kWh/tháng phải trả 83.900 đồng thì sắp tới sẽ được giảm 8.390 đồng, xuống còn 75.510 đồng.
Những gia đình sử dụng dưới 100 kWh/tháng phải trả tiền điện là 170.600 đồng được giảm 17.060 đồng, xuống còn 153.540 đồng.
Tương tự, hộ dân nào sử dụng dưới 200 kWh/tháng phải trả tiền điện là 372.000 đồng sẽ được giảm 37.200 đồng và sử dụng dưới 300 kWh sẽ được giảm 62.560 đồng, xuống còn hơn 563.000 đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.