Bỏ thầu mua gạo dự trữ quốc gia, mất cọc mất luôn xuất khẩu?

18/04/2020 08:24 GMT+7

Tại sao nhiều doanh nghiệp trúng thầu đưa gạo vào Tổng cục Dự trữ quốc gia nhưng sau đó từ chối thương thảo ký hợp đồng khiến lượng gạo mua vào dự trữ rất thấp so với yêu cầu của Chính phủ?

Thông tin cập nhật trên website của Tổng cục Hải quan đến chiều qua 17.4, đã có 6.810 tấn gạo đầu tiên theo hạn ngạch trong tháng 4 đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu. Ngoài ra, trong danh sách các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, cơ quan hải quan cũng “tố” có 4 DN trúng thầu mua gạo dự trữ quốc gia nhưng từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục Dự trữ nhà nước khu vực.
Là một trong những DN tham gia đấu thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo và trúng thầu 17.940 tấn, đồng thời cũng tham gia đăng ký xuất khẩu, đại diện Công ty TNHH Phát Tài (Đồng Tháp) cho biết liên tục trong nhiều năm qua công ty vừa tham gia đấu thầu gạo trong nước, vừa xuất khẩu ra thế giới. Năm 2019, công ty xuất khẩu 70.000 tấn gạo và cũng tham gia cung cấp dự trữ quốc gia hằng năm thấp nhất là 10.000 tấn.
Tuy nhiên, năm nay công ty phải bỏ thầu, vì nếu thực hiện sẽ lỗ nặng. Đại diện Công ty Phát Tài phân tích: “Nếu thực hiện cung cấp gần 18.000 tấn gạo dự trữ quốc gia thì công ty sẽ bị lỗ từ 1.400 - 1.500 đồng/kg, tương đương khoảng 27 tỉ đồng cho toàn bộ đơn hàng trúng thầu. Còn nếu bỏ thầu thì công ty cũng bị mất tiền cọc khoảng 200 đồng/kg, tương đương gần 3,6 tỉ đồng. Do lượng gạo từ giống lúa IR 50404 năm nay ít, giá lại tăng nhanh theo nhu cầu trong và ngoài nước nên công ty rất khó mua đủ”.
Cũng trúng thầu với lượng gạo lớn, không có nhu cầu xuất khẩu gạo nhưng từ chối ký hợp đồng, ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (Hà Nam), cho biết DN trúng thầu 11.920 tấn gạo cách đây hơn 1 tháng (ngày 12.3), nhưng đến nay đã từ chối làm hợp đồng bán gạo vào kho dự trữ quốc gia vì… giá thị trường quá cao. Giá gạo mà công ty ông Dương trúng thầu là 9.200 đồng/kg (đã bao gồm phí vận chuyển từ trong Nam ra, chưa bao gồm thuế GTGT), nhưng giá gạo công ty liên lạc để thu mua từ trong Nam đã lên đến 10.200 đồng/kg và vài ngày sau lên 10.400 đồng/kg, chưa tính phí vận chuyển.
“Sau khi đại dịch lan trên diện rộng, các nước tăng thu mua lương thực. Sau Trung Quốc có Philippines, Malaysia và nhiều nước châu Âu cũng tăng mua gạo của Việt Nam khiến giá gạo thế giới và trong nước tăng. DN của tôi chấp nhận bỏ thầu, chịu bị mất tiền cọc đã đóng trước hơn 2,7 tỉ đồng. Còn nếu cứ mua vào giá mới này để bán cho Nhà nước, chúng tôi lỗ đến 15 tỉ đồng. Là một DN, chúng tôi bắt buộc lựa chọn giải pháp nào bị mất ít nhất có thể”, ông Dương nói và cho rằng Cục Dự trữ các địa phương nắm quá rõ, nhẽ ra phải nhanh nhạy ứng biến, tư vấn cho Bộ Tài chính có thể tăng giá mua vào để dự trữ đủ số lượng yêu cầu. Trong tình hình này mà còn “kỳ kèo” chậm ngày nào giá gạo tăng ngày đó, sẽ rất khó để đủ gạo dự trữ quốc gia.
“DN bỏ thầu bị mất cọc, nếu tiến thêm bước ký hợp đồng rồi mà bỏ mới bị truất quyền tham gia đấu thầu đợt sau. Còn DN trúng thầu, bỏ thầu và chưa ký hợp đồng, không thể vin vào đó để không cho họ xuất khẩu gạo được. Mục tiêu của điều hành trong kỳ dịch bệnh là để cho nền kinh tế ít mất mát nhất, người dân bán hàng được giá tốt nhất đã là thành công”, ông Dương nói.
Đại diện Công ty Phát Tài nói thẳng: Khi dự trữ không mua đủ số lượng thì lại cấm xuất khẩu là bất hợp lý. Nếu Việt Nam cứ hạn chế xuất khẩu gạo lúc này thì khách hàng sẽ phải tìm mua chỗ khác. Nhu cầu thế giới đang rất cao, trong khi Ấn Độ và VN ngừng xuất khẩu thì Thái Lan vẫn cho xuất thoải mái. Ví dụ đầu năm nay, DN trong nước ký hợp đồng bán cho Malaysia với giá chỉ 335 USD/tấn thì nay Thái Lan chớp cơ hội bán với giá 500 - 550 USD/tấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.