Bộ TN-MT cảnh báo nước hồ Tây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm

Lê Quân
Lê Quân
31/03/2021 13:12 GMT+7

Bộ TN-MT đã tổ chức kiểm tra, kết quả cho thấy, chất lượng môi trường nước tại hồ Tây (Hà Nội) đang có dấu hiệu bị ô nhiễm .

Nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu

Trước hiện tượng nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm đặc, ngày 30.3, Bộ TN-MT đã gửi văn bản đến UBND TP.Hà Nội đề nghị quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước hồ.
Bộ TN-MT cho biết, khi nhận thấy nước hồ Tây chuyển màu xanh rêu đậm đặc đã tổ chức kiểm tra. Kết quả cho thấy, chất lượng môi trường nước hồ Tây có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều thông số môi trường nước tại hồ Tây vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao…
Từ cơ sở này, Bộ TN-MT đề nghị TP.Hà Nội thực hiện ngay các biện pháp cải thiện chất lượng nước hồ Tây, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ.
Cơ quan chuyên môn về môi trường của Bộ TN-MT cũng khuyến cáo, bên cạnh các thông số môi trường đã được quan trắc tự động, liên tục, TP.Hà Nội vẫn cần tăng cường quan trắc định kỳ, quan trắc đột xuất khi phát hiện hiện tượng bất thường. Nhất là tại các vị trí có khả năng xâm nhập của nước thải từ các khu vực hoạt động xung quanh hồ, đặc biệt trong những ngày có mưa lớn.

Đề nghị Hà Nội quan tâm hồ Tây

Bộ TN-MT cũng lưu ý TP.Hà Nội cần thường xuyên theo dõi, thu thập, đánh giá số liệu, tập trung đối với thông số như: pH, nhiệt độ, DO, COD, mật độ tảo… để kịp thời xử lý.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ, bao gồm nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt từ các tuyến thu gom có khả năng chảy tràn vào hồ. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sau khi kiểm tra, Bộ TN-MT cảnh báo, nước hồ Tây chuyển màu xanh đậm đặc, có dấu hiệu ô nhiễm

Ảnh Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chủ động bổ sung nguồn nước trong trường hợp thời tiết khô hạn kéo dài, đảm bảo mực nước tối thiểu nhằm duy trì ổn định hệ sinh thái hồ; thường xuyên duy trì việc vớt rác thải trên hồ kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; xem xét, nạo vét trầm tích để nâng cao khả năng lưu trữ nước và làm sạch của hồ.
Bộ TN-MT cho rằng, cần đánh giá toàn diện về các tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mặt hồ Tây, xây dựng kế hoạch dài hạn bảo vệ môi trường nước mặt an toàn. Trong đó, cần chủ động tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; trao đổi thông tin với Bộ TN-MT và các bộ, ngành có liên quan để được phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. Chủ động cung cấp, công khai thông tin khi có diễn biến bất thường về chất lượng nước tại hồ Tây.
Trước đó, tháng 10.2016, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ Tây. Không lâu sau đó, tháng 7.2018, cá ở hồ Tây lại chết nổi trắng mặt hồ. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa… Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống ven hồ Tây, hiện tượng cá chết vẫn thường xuyên xảy ra nhưng số lượng không nhiều.
Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng hơn 500 ha ở Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội. Tổng chiều dài bờ hồ là hơn 17 km. Đây là một phần của sông Hồng trước đây sau khi chuyển dòng.
Theo nghiên cứu của Q.Tây Hồ, hệ thuỷ sinh vật hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên. Về chim quý, có loài lele hiện còn khoảng 50 cá thể; chim sâm cầm chưa phát hiện trong quá trình điều tra…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.