Bộ trưởng Bộ Công An: Không phải tách luật, chia quyền

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/11/2020 06:00 GMT+7

“Trên nền tảng góp ý cả 2 luật, Chính phủ, QH, Ủy ban Thường vụ QH sẽ quyết định việc chúng ta sẽ thực hiện luật trong giai đoạn sắp tới”, Bộ trưởng BGTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Giải trình tại Quốc hội (QH) vào cuối buổi sáng 16.11, sau khi các đại biểu (ĐB) thảo luận luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết buổi chiều QH sẽ thảo luận luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nên thành viên Chính phủ sẽ giải trình với QH kỹ hơn về lý do xin tách luật.
“Trên nền tảng góp ý cả 2 luật, Chính phủ, QH, Ủy ban Thường vụ QH sẽ quyết định việc chúng ta sẽ thực hiện luật trong giai đoạn sắp tới”, Bộ trưởng Thể nói.
Dành 6 phút giải trình về luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB chiều cùng ngày, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sau khi thảo luận thì thấy rằng có vấn đề là sự cần thiết xây dựng ban hành dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, hay nói cách khác là có nên tách luật này ra khỏi luật GTĐB sửa đổi hay không?
Theo ông Lâm, Bộ Công an có trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Do đó, Chính phủ cũng xác định rõ trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của ngành công an, vì trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. “Vì thế, chúng tôi đã được Chính phủ, cũng đã được QH, cơ quan của QH đồng ý cho đề xuất xây dựng dự thảo luật này”, ông Lâm tái khẳng định.
Theo ông Lâm, trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất xây dựng luật, các quy định cũng đã nói rất rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an. “Cũng có ĐB băn khoăn xây dựng luật như vậy xác định trách nhiệm rõ chưa… Bộ Công an có trách nhiệm chính, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan và chính quyền các cấp để tổ chức, đảm bảo sự trật tự an toàn giao thông”, ông Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho hay nếu QH đồng ý ban hành luật này, giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì như báo cáo đánh giá tác động mà Chính phủ đã nêu, sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, không lãng phí, không tăng về thủ tục hành chính.

Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật, chuyển thẩm quyền

Thảo luận tại QH ngày 16.11, nhiều ĐB đều có chung kiến nghị với Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến ĐBQH về vấn đề tách hay không tách luật GTĐB thành 2 dự án luật để xây dựng luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB riêng trước khi thảo luận các nội dung tiếp theo. Nhiều ĐB cũng đề nghị xin ý kiến ĐBQH cả vấn đề chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ khẳng định Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các ĐBQH về các vấn đề lớn của cả 2 dự án luật và báo cáo với QH theo quy trình.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB không phải là tách luật. Ông Lâm lý giải, cùng với sự phát triển chung của mọi mặt xã hội thì quá trình làm luật càng ngày càng đi vào cụ thể, càng quy định vào chi tiết. “Trên thực tế đã có nhiều luật, ban đầu từ một luật, sau đó phát triển thành nhiều luật. Ví dụ luật Đầu tư, giờ chúng ta có luật Đầu tư, luật Đầu tư công, luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hay luật Khiếu nại tố cáo trước đây giờ thành luật Tố cáo, luật Khiếu nại. “Rất nhiều luật chuyên ngành, đi vào cụ thể. Đây không phải là việc tách luật, hay chia quyền... “, ông Lâm khẳng định và cho rằng nếu luật Đảm bảo trật tự an toàn GTĐB để chung với luật GTĐB thì quá dài.
Ông Tô Lâm cũng nhấn mạnh 2 luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và luật GTĐB được Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan thẩm định của QH, đặc biệt 2 bộ GTVT và Công an nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình triển khai, không vi phạm luật Ban hành các quy phạm pháp luật.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.