Bộ trưởng Bộ Công an nói về việc truy bắt các đối tượng trốn ra nước ngoài

26/11/2024 14:45 GMT+7

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết thời gian qua đã bắt, xử lý dẫn độ một số đối tượng, 'có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta'.

Ngày 26.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác của một số lĩnh vực, trong đó có phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.

Đấu tranh tham nhũng gặp khó vì đối tượng trốn ra nước ngoài

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề cập tới những khó khăn trong công tác đấu tranh, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ. Đó là một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài, việc truy bắt chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn tới hạn chế nêu trên, theo ông Thịnh, do Việt Nam và một số quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Công an nói về việc truy bắt các đối tượng trốn ra nước ngoài- Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa

ẢNH: GIA HÂN

Để khắc phục, đại biểu Thịnh đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến nội dung này, bao gồm tổng kết việc triển khai các hiệp định đã ký kết, từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài.

Cũng liên quan đến phòng, chống tội phạm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) bày tỏ lo ngại về tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân.

Bà Hương dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị mua bán đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trong khi đó, người sử dụng không hề biết thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt ra từ đâu và cũng không thể ngờ các thông tin này trở thành món hàng để mua bán, trao đổi.

Đáng ngại hơn, việc mua bán thông tin cá nhân được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Thông tin bị rao bán chi tiết đến cả họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ...

Theo nữ đại biểu, cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng nêu trên, đồng thời kỳ vọng sự ra đời của luật Dữ liệu sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân.

Bà Hương kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng.

Nhiều đại biểu tham gia thảo luận còn đề cập tới tình hình tội phạm, nhất là tội phạm chưa thành niên ngày càng phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá sát và đưa ra các dự báo, giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công an nói về việc truy bắt các đối tượng trốn ra nước ngoài- Ảnh 2.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an

GIA HÂN

Sẽ tham mưu ký các hiệp định liên Chính phủ

Giải trình trước ý kiến các đại biểu, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay thời gian qua lực lượng công an cùng các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường công tác hợp tác quốc tế, ký các hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm.

"Chúng tôi đang dần dần làm từng bước và thời gian vừa qua đã bắt, xử lý dẫn độ những đối tượng, có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta và đã đưa những đối tượng dẫn độ về nước", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.

Với tinh thần nêu trên, đại tướng Lương Tam Quang khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, từ đó có những hiệp định liên Chính phủ, nhằm thực hiện tốt hơn trong lĩnh vực mà đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Công an nói về việc truy bắt các đối tượng trốn ra nước ngoài

Người đứng đầu Bộ Công an cũng nhìn nhận, ngoài những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua còn một số hạn chế.

Một phần nguyên nhân do tình trạng thừa lao động, nhất là trong độ tuổi thanh niên, khiến phát sinh nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) ở khu vực nông thôn, miền núi.

Cạnh đó, sự suy thoái về đạo đức xã hội dẫn tới tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm pháp luật bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, nhiều mâu thuẫn ở cơ sở không được chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương phát hiện, tháo gỡ kịp thời, nhất là các mâu thuẫn do liên quan đến tranh chấp đất đai dẫn tới xảy ra một số vụ giết người, nhất là giết người thân, gây đau lòng và bức xúc trong dư luận.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả, hình thức và đối tượng có thời điểm còn chưa phù hợp, dẫn tới việc một số đối tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết; nhiều hành vi vi phạm pháp luật hành chính có khung xử lý còn thấp, chưa thể hiện được tính nghiêm minh, răn đe. 

Thậm chí, một số bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng chấp nhận bị xử lý nếu bị phát hiện, nhất là trong vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.