Thiếu tướng Mai Hoàng nêu quan điểm phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng

Ngọc Lê
Ngọc Lê
21/11/2024 12:24 GMT+7

Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh, quan điểm của Công an TP.HCM là lấy phòng ngừa làm trọng yếu, làm sao để đối tượng mất đi ý định phạm tội cướp tài sản tại các ngân hàng.

Ngày 21.11, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Sở giao dịch 2, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Hội nghị do thiếu tướng Mai Hoàng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM chủ trì.

Thiếu tướng Mai Hoàng nêu quan điểm phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng- Ảnh 1.

Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh, quan điểm của Công an TP.HCM là lấy phòng ngừa làm trọng yếu

ẢNH: NGỌC LÊ

Hội nghị tổ chức tại Hội sở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Dự hội nghị có lãnh đạo phòng nghiệp vụ, quận, huyện, TP.Thủ Đức thuộc Công an TP.HCM; ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank; ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM; đại diện các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.

'Phải làm mất đi ý định phạm tội của đối tượng'

Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh tại hội nghị, từ ngày triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, không xảy ra vụ cướp tài sản tại ngân hàng nào. Nếu để tội phạm xâm phạm sở hữu, đặc biệt là cướp tài sản tại ngân hàng xảy ra sẽ gây tổn hại tinh thần, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sức khỏe, tính mạng của nhân viên, người dân đến giao dịch, lực lượng công an truy xét rất vất vả.

Thiếu tướng Mai Hoàng nói thêm, các đối tượng cướp ngân hàng hoạt động manh động và liều lĩnh, thường ngụy trang kín đáo để tránh bị nhận diện; đối tượng khảo sát thời gian dài... Vì vậy, các các ngân hàng cần có hệ thống camera nhận diện khuôn mặt của các cá nhân khi đến giao dịch.

Thiếu tướng Mai Hoàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hết sức quan tâm, chủ động tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng bởi không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe mà còn liên quan đến uy tín của ngân hàng, để giúp người dân đến ngân hàng cảm thấy yên tâm.

"Quan điểm của Công an TP.HCM là lấy phòng ngừa làm trọng yếu. Làm sao để đối tượng từ bỏ ý định đến ngân hàng để cướp tài sản, mục tiêu của chúng ta là không để tội phạm xảy ra tại ngân hàng nào trên địa bàn TP.HCM. Các đối tượng trước khi thực hiện hành vi phạm tội đều đến ngân hàng để quan sát, nắm quy luật hoạt động và khi thấy không an toàn, hình ảnh bị lộ diện thì đối tượng sẽ mất đi ý định phạm tội", thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh.

Nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, sơ hở để tội phạm lợi dụng phạm tội

Tại hội nghị, đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM cho biết, qua phân tích các vụ án cướp ngân hàng đã từng xảy ra cho thấy, các đối tượng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau trên các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, thống nhất thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng. Các đối tượng gây án chủ yếu không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế thậm chí không có mối quan hệ với nhau từ trước.

Thiếu tướng Mai Hoàng nêu quan điểm phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng- Ảnh 2.

Đại tá Phạm Đình Ngọc cho biết trước khi đối tượng lựa chọn mục tiêu gây án, các đối tượng thường khảo sát, nghiên cứu đặc điểm địa hình xung quanh

ẢNH: NGỌC LÊ

Đáng chú ý, trước khi lựa chọn mục tiêu gây án, các đối tượng thường khảo sát, nghiên cứu đặc điểm địa hình xung quanh, quy luật hoạt động tại các ngân hàng, nơi cất giấu tài sản, hướng tẩu thoát sau khi gây án sau đó mới chuẩn bị công cụ, phương tiện và vũ khí cần thiết để gây án. Trực tiếp đe dọa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc súng giả để khống chế lực lượng bảo vệ, uy hiếp nhân viên ngân hàng và làm triệt tiêu khả năng chống cự của họ để nhanh chóng thực hiện hành vi cướp tài sản. 

Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, còn sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.

Ngân hàng lắp đặt hệ thống báo động kết nối với công an phường, xã

Đến thời điểm hiện tại, có 16 ngân hàng, 449 địa điểm giao dịch (chi nhánh, phòng giao dịch) đã triển khai, áp dụng giải pháp lắp đặt hệ thống báo động cảnh báo khẩn cấp, được truyền dẫn tín hiệu báo động đến cơ quan công an; phối hợp thiết lập, cài đặt kết nối các hệ thống báo động đến công an xã, phường, thị trấn.

Đại tá Ngọc cho biết Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp các phòng nghiệp vụ khảo sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện của các ngân hàng, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn về nâng cao công tác đảm an ninh, an toàn tại 22 ngân hàng và phòng giao dịch. 

Đến nay các ngân hàng đều bố trí ít nhất từ 2 nhân viên bảo vệ trở lên (1 nhân viên được bố trí bên ngoài sảnh, vỉa hè phía trước ngân hàng làm nhiệm vụ trông giữ phương tiện và hướng dẫn khách hàng đến giao dịch, 1 nhân viên bố trí bên trong khu vực quầy giao dịch).

Thiếu tướng Mai Hoàng nêu quan điểm phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng- Ảnh 3.

Đại diện các đơn vị tham quan hệ thống camera thông minh tại VPBank, hệ thống này sẽ nhận diện, cảnh báo từ sớm, từ xa với trường hợp khách hàng trước khi vào ngân hàng mà đeo khẩu trang, mang vật dụng khả nghi...

ẢNH: NGỌC LÊ

Các ngân hàng đều đã nghiên cứu bố trí, lắp đặt hệ thống báo động bí mật tại khu vực quầy giao dịch và khu vực kho quỹ. Được kết nối trực tiếp với công an phường nơi ngân hàng trú đóng và được kết nối với Hội sở chính đặt tại TP.HCM.

"Qua khảo sát thực tế ghi nhận có Hội sở VPBank, Chi nhánh phòng giao dịch VPBank ở Q.Tân Bình đã lắp đặt hệ thống camera thông minh nhận diện khuôn mặt gồm 4 mắt, được gắn phía trước cửa ra vào và bên trong để quan sát người ra, vào ngân hàng kèm theo hệ thống cảnh báo được phát lên loa khi phát hiện đối tượng cảnh báo và thường xuyên phát cảnh báo nhắc nhở khách hàng khi đến ngân hàng phải bỏ khẩu trang, mũ bảo hiểm trước khi vào giao dịch", Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Camera có thể nhận diện được đối tượng cần cảnh báo trong danh sách được ngân hàng cập nhật bằng hình ảnh của các đối tượng do lực lượng công an cung cấp (là những đối tượng truy nã, truy tìm, đối tượng cần lưu ý nghi vấn hoạt động trộm cắp hay cướp tài sản…). Khi phát hiện đối tượng cần cảnh báo, lập tức được thông báo lên loa hoặc gửi tin nhắn cho cán bộ quản lý hoặc cán bộ điều khiển thiết bị đóng mở cửa. 

Ngoài ra, hệ thống camera thông minh còn nhận diện tốt tín hiệu cầu cứu (giơ hai tay, nằm xuống); nhận diện đối tượng đeo khẩu trang, đội mũ, cầm đồ vật khả nghi trên tay (súng, dao…). Hay cảnh báo khi nhân viên rời khỏi vị trí quá thời gian quy định. Tích hợp các thiết bị điều khiển đóng mở cửa, còi hú và âm thanh; linh động trong việc sửa, xóa quản lý danh sách đối tượng cần cảnh báo cũng như danh sách nhân viên ngân hàng. Không giới hạn số lượng người nhận tin nhắn cảnh báo, có thể điều chỉnh nhận diện đối tượng nào nhận cảnh báo và nhận diện đối tượng nào không nhận cảnh báo.

Lắp camera nhận diện khuôn mặt, khiến đối tượng từ bỏ ý định phạm tội

Đại tá Ngọc đánh giá, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo, nhận diện đối tượng cảnh báo không cần thay thế hệ thống camera mới, vẫn tận dụng được hạ tầng camera cũ đang sử dụng, chỉ cần lắp đặt thêm phần mềm giao nhiệm vụ cho các mắt camera thực hiện, tiết kiệm chi phí không cần phải thay mới hoàn toàn. Việc lắp đặt hệ thống camera thông minh cơ bản đáp ứng được các tiêu chí phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị, Công an TP.HCM chỉ ra một số hạn chế đó là qua khảo sát thực tế, một số ngân hàng và phòng giao dịch vẫn chưa lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt; chưa dán thông báo và quán triệt lực lượng bảo vệ nhắc nhở khách hàng trước khi vào giao dịch phải tháo khẩu trang, bỏ mũ, nón, bỏ ba lô khi vào giao dịch.

Ngoài ra, chưa tổ chức tập huấn các kỹ năng xử lý cơ bản cho lực lượng bảo vệ và nhân viên khi có hành vi phạm tội cướp ngân hàng xảy ra. Hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống báo động tại các điểm giao dịch ngân hàng hiện nay chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đủ về số lượng để đáp ứng công tác phòng ngừa tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam (Trưởng công an H.Hóc Môn) nói thêm, sau khi xảy ra vụ cướp tại Phòng giao dịch Nhị Xuân thuộc Sacombank vào tháng 6.2024, lực lượng công an đã tăng cường tuần tra, quản lý địa bàn, làm sao để việc triển khai phải khiến cho các đối tượng có ý định cướp ngân hàng từ bỏ ý định đó. Phía ngân hàng cần trang bị các hệ thống phải đồng bộ từ hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch; nâng cao kỹ năng của nhân viên ngân hàng để có khả năng xử lý tình huống có thể xảy ra (tập huấn, tuyển chọn thường xuyên, diễn tập tình huống cụ thể để tạo thói quen biết đối diện tình huống).

"Nhân viên các ngân hàng phần lớn là nữ, khi xảy ra vụ cướp tài sản tại ngân hàng rất sợ hãi, vì vậy phải tập huấn, huấn luyện tình huống cụ thể phải làm gì. Cần thay đổi về mặt nhận thức, quan tâm lực lượng bảo vệ của ngân hàng bởi đây là lực lượng quan trọng để đảm bảo sự an toàn của ngân hàng", thượng tá Nam nhấn mạnh.

4 vụ cướp ngân hàng trên toàn quốc trong 11 tháng

Về tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp tài sản ngân hàng ở TP.HCM, Công an TP.HCM cho biết, 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 4 vụ cướp ngân hàng tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng và Bình Dương.

Qua rà soát xác định, tính đến tháng 10.2024, TP.HCM hiện có có 11 hội sở ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động, đây là những nơi luôn có tài sản và số tiền mặt lớn tại các quầy, để thuận tiện cho khách hàng giao dịch, điều này đã trở thành mục tiêu cho tội phạm nhắm tới. 

Tại địa bàn TP.HCM, trong 11 tháng đầu năm 2024 không xảy ra vụ cướp tài sản tại các ngân hàng (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2023); 1 vụ cạy cây ATM của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) địa bàn Hóc Môn vào tháng 4.2024 nhưng chưa lấy được tài sản; 1 vụ trộm cắp tài sản tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) địa bàn TP.Thủ Đức vào tháng 1.2024 (công an bắt giữ 1 bị can).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.