Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đầu tư công vướng do 'tự đem đá buộc chân mình'

Mai Hà
Mai Hà
21/02/2023 14:45 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các vướng mắc giải ngân đầu tư công hiện nay chủ yếu do "chúng ta tự mình gây ra thôi, tự mình đem đá buộc chân mình".

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ sáng 21.2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, khó khăn nhất trước đây là không có tiền để thực hiện, nhưng bây giờ có tiền rồi mà không làm được.

Bộ trưởng Tài chính: Đầu tư công vướng do 'tự đem đá buộc chân mình' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng các bộ, ngành phải tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền của mình

NHẬT BẮC

Theo ông Phớc, những vướng mắc hiện tại là do "chúng ta tự mình gây ra thôi, tự mình đem đá buộc chân mình thôi", trên thực tế đều thuộc thẩm quyền và là những vấn đề có thể giải quyết được.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ có 2 vướng mắc chính: thứ nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.

Ông lấy ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. "Khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được", người đứng đầu Bộ Tài chính nói.

Để gỡ nút thắt này, Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc.

Ông cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. "Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết", Bộ trưởng Phớc nêu.

Bộ trưởng Tài chính: Đầu tư công vướng do 'tự đem đá buộc chân mình' - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi nghị định để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

NHẬT BẮC

Thúc giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2022 đạt 93,42% kế hoạch, cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch).

Trong đó, 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, với tổng số tiền trên 28.600 tỉ đồng.

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguyên nhân, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế; chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải. Người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Bên cạnh đó, năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu...

Đặc biệt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất còn chậm, mới đạt 0,2%. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư hơn 2.800 tỉ đồng. Đáng chú ý, còn 14.151 tỉ đồng kế hoạch vốn trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ, cần khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trước ngày 31.3.

Về nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023, Thủ tướng yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công. Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. 

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP trong quý 1/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

TP.HCM xem xét trách nhiệm người đứng đầu chậm giải ngân

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022 TP.HCM được giao vốn 54.000 tỉ đồng nhưng khả năng cân đối của thành phố là 37.000 tỉ đồng. Đến 31.1.2023, TP.HCM giải ngân được 71,3% tương đương 26.636 tỉ đồng; tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỉ đồng, tương ứng tăng 35%.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có các nguyên nhân chính gồm: thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của thành phố trong năm 2022 làm chậm.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm, vừa không GPMB được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp.

Giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Tuy nhiên, bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm.

Theo ông Mãi, lần họp trước TP.HCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã tiến hành xem xét trách nhiệm các đồng chí đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.

Năm 2023, TP.HCM được phân bổ vốn là 70.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022; trong đó có 16.500 tỉ đồng vốn của T.Ư, 55.200 tỉ đồng vốn của địa phương.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.