Đó là thông tin được ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM định kỳ chiều 16.2.
11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%
Trong năm 2022 trên địa bàn TP.HCM ghi nhận tổng số 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 0%. Về 11 đơn vị này, ông Tuấn cho hay đây là các đơn vị thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án chưa thể giải ngân.
Việc đánh giá, xếp loại và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022 đã được UBND TP.HCM giao cho Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu, đề xuất hướng xử lý.
Đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết, kết quả chung về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố là 71,3% tổng số vốn giao (không bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài giải ngân sang năm 2022 và tiền thưởng vượt dự toán thu năm 2021).
"Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh và những vướng mắc nội tại chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn đạt thấp", ông Tuấn nói.
Năm 2023 được TP.HCM xác định là năm trọng điểm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cũng là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn cho thành phố năm nay hơn 70.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng phần ngân sách địa phương là hơn 55.000 tỉ đồng, cao gấp gần 2 lần kế hoạch năm 2022.
Ông Tuấn chia sẻ: "Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thành phố phát huy tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu thành phố đã đề ra".
Đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới
Đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM thông tin, hiện nay Sở đã đề xuất và kiến nghị nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, về thể chế quy định pháp luật, Sở đang phối hợp Bộ KH-ĐT trong việc xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM.
Kiến nghị HĐND thành phố phân cấp cho UBND thành phố để quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, thành phố sẽ ban hành quyết định sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần có giải pháp chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tiến độ tại hiện trường, giao cả hệ thống chính trị của từng đơn vị phải chịu trách nhiệm công tác triển khai, giải ngân vốn đầu tư công.
Về cải cách hành chính, TP.HCM cần tập trung rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định...
Trước đó, ngày 13.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải ngân đầu tư công năm 2022.
Tính đến ngày 31.1.2023, số liệu do Kho bạc Nhà nước TP.HCM thống kê cho thấy thành phố đã giải ngân 26.636 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% so với tổng kế hoạch vốn giao là 37.366 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 1.549 tỉ đồng (đạt 62,5%) và ngân sách địa phương giải ngân là 25.678 tỉ đồng (gần 72%).
So với năm 2021, số vốn đầu tư công được giải ngân trong năm 2022 cao hơn 6.900 tỉ đồng.
Dù vốn đầu tư công được giải ngân tăng cả giá trị tuyệt đối cũng như tỷ lệ giải ngân so với năm 2021 nhưng Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận tỷ lệ giải ngân năm 2022 chưa đạt như mục tiêu đã đề ra là trên 95%.
Bình luận (0)