Sáng 20.12, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn kinh doanh và pháp luật với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển”.
Diễn đàn kinh doanh và pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 20.12 |
nhung lê |
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các DN Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang “đau đầu” để lựa chọn, đề xuất và quyết định giải pháp, chính sách hỗ trợ DN và nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tại diễn đàn, đại biểu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế đối với DN, mà điểm nhấn là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn vốn dồi dào với ước tính khoảng 40.000 tỉ đồng, nhưng tính đến cuối tháng 8.2022 các ngân hàng thương mại mới cho vay được 13,5 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN, dù vậy khi DN làm thủ tục vẫn mất rất nhiều thời gian. Điều này có thể xuất phát từ yếu tố “chưa có tiền lệ”, dẫn đến khi đưa chính sách còn mang tính chung chung.
Bà Thảo hơn một lần nhắc đến chữ “khó” khi DN muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. “DN cảm thấy khó lắm, khó vô cùng, gần như những DN đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để DN dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, khi tiếp cận chính sách, DN luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Vì thế, bà mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên tập trung hướng dẫn để DN làm tốt hơn thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.
Chia sẻ quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, thường nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn có thanh tra, kiểm tra.
Cũng nhắc đến yếu tố “chưa có tiền lệ”, ông Tuấn cho rằng đây có thể là nguyên nhân khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách sẽ “không tự tin”, rồi khi thực hiện lại có tình trạng nhiều cách hiểu khác nhau. Thêm vào đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ, các ngân hàng thương mại không mặn mà.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Nhìn nhận ở góc độ người đi vay, ông Đôn nói chính DN cũng có tâm lý e ngại khi tiếp cận nguồn vốn này, bởi về sau sẽ phải thanh tra, kiểm tra. Một rào cản khác là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những DN đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề.
Còn dưới góc độ quản lý, ông Đôn cho rằng cơ quan nhà nước cũng có những rủi ro nhất định, nhất là việc hướng dẫn triển khai chính sách như thế nào cho đúng, bởi sau này cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thanh tra, kiểm tra đối với chính cơ quan quản lý nhà nước. Để giảm thiểu rủi ro, ông Đôn nhận định cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, diễn đàn kinh doanh và pháp luật lần này được Bộ Tư pháp tổ chức rất kịp thời, rất phù hợp khi Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các hậu quả từ dịch Covid-19, bao gồm việc đẩy mạnh các chương trình phục hồi kinh tế. Diễn đàn sẽ là nơi để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe tiếng nói của DN, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thể chế, pháp luật.
Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận sự thẳng thắn từ các đại biểu tham gia diễn đàn. Ông cho hay, với chức năng và quyền hạn được giao, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ các ý kiến, góp ý, tham mưu cũng như trăn trở… để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Bình luận (0)