|
Phiên chất vất Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xoay quanh các vấn đề nợ công; quản lý thu chi ngân sách nhà nước; quản lý, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường đặc biệt là nhóm mặt hàng thiết yếu; cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Nợ công an toàn
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng nhiều ĐB đã lo lắng và đặt ra câu hỏi lớn là “nợ công của nước ta hiện có trong ngưỡng an toàn hay không?”
“Nợ công của chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Việc đánh giá này dựa trên cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ”, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ trưởng Dũng cho biết thêm, hiện khoảng 50% nợ công của nước ta là nợ nước ngoài, vay ưu đãi ODA, có thời hạn trả nợ là 50 năm và còn lại khoản 14-15 năm là đến hạn trả nợ; còn lại 50% là huy động trong nước, với thời hạn trả nợ ngắn (khoảng 2-3 năm).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cuối năm 2013, tỉ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách của nước ta (trừ nghĩa vụ vay đảo nợ) là 20-21%. Ước tính, từ đây đến năm 2018 thì tỉ lệ này đều nằm dưới 25%, tức trong ngưỡng cho phép của Chính phủ và QH.
|
Trước thắc mắc của một số ĐB liệu vay đảo nợ có ảnh hưởng đến nợ công hay không? Bộ trưởng Dũng cho biết: Vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, nếu lãi thấp hơn thì ta còn được lợi. Nhìn chung vay đảo nợ không ảnh hưởng nợ công. Vấn đề là làm sao huy động được vốn trong thời gian tới để được vay với thời hạn dài hơn, giải pháp tái cơ cấu nợ công là giải pháp quan trọng.
“Chúng tôi vẫn luôn thận trọng, thường xuyên đánh giá các chỉ số về nợ công”, Bộ trưởng Dũng nói.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong tổng số nợ công của Chính phủ có tính các khoản Chính phủ vay, bảo lãnh vay cho DNNN không, là bao nhiêu?”, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), hỏi thêm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định của Luật Nợ công thì nợ công của Chính phủ đã tính luôn cả phần nợ mà chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp, không chỉ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác.
Rút ngắn chu kỳ tính giá xăng
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), cho rằng, đến nay, sau 3 năm Nghị định 84 về tính giá xăng vẫn chưa được sửa chữa hoàn thiện, còn nhiều bất cập về giá gây thiệt hại nhiều nhất là người tiêu dùng. Vì vậy, ĐB đề nghị Bộ trưởng Dũng cho biết trách nhiệm và giải pháp về việc điều hành giá xăng.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, Nghị định 84 vẫn chưa hoàn thiện vì liên quan đến giá xăng có nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, vừa qua cơ bản Nghị định đã có những điều chỉnh đáp ứng được yêu cầu điều hành giá xăng theo thị trường có sự quản lý Nhà nước.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, trong năm vừa qua đồng bào cả nước đã quen với việc tăng giảm liên tục của giá xăng, không gây cú sốc về giá cả, cũng như tránh cú sốc cho nền kinh tế, lạm phát, đặc biệt là sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn giá.
|
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, Nghị định 84 sẽ tiếp tục có thay đổi mà trong đó quan trọng nhất là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở: định giá trước kia là 30 ngày giờ còn 15 ngày; khoảng cách giữa hai lần tăng giá xăng là 15 ngày sẽ rút xuống còn 10 ngày.
“Cái quan trọng là điều hành uyển chuyển, công khai và minh bạch. Mà thời gian vừa qua chúng tôi đã công khai trên website của Bộ Tài chính về giá xăng. Đồng thời, đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Như vậy thì người tiêu dùng có lợi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Bên cạnh đó, ĐB Nga cũng đề cập đến việc quản lý của Bộ Tài chính trong việc tạm nhập tái xuất xăng dầu còn yếu kém, để doanh nghiệp gây lũng đoạn thị trường, thất thu thuế.
Với chất vấn trên, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, đang quyết liệt chống gian lận thương mại trong đó xăng dầu là điểm nóng. Thời gian qua, hải quan đã lập ba chuyên án về xăng dầu, đã bắt và khởi tố 18 bị can (bắt 3.500 tấn xăng dầu). Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị QH sửa đổi Luật thuế trong đó hàng tạm nhập tái xuất phải nộp thuế trước khi tạm nhập. Tiếp tục tăng cường công tác hải quan.
Tiền xây dựng hồ bơi, sân tennis của EVN không được tính vào giá điện Trong phiên chất vấn, ĐBQH cũng đề nghị Bộ Tài chính và cả Bộ Công thương giải trình về vấn đề gây bức xúc trong cử tri thời gian qua, khi thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc tính tiền quản lý, xây dựng biệt thự, vận hành bể bơi, sân tennis vào giá điện. Bộ trưởng Dũng khẳng định, các chi phí xây dựng nhà ở cho người lao động không được hạch toán vào giá điện mà phải tính giá cho thuê cho người lao động, được hạch toán riêng. Các công trình công ích, phúc lợi (như bể bơi, sân tennis,…) cũng không được tính vào giá điện mà hạch toán, có quỹ công ích của công ty với những hạn mục này. Bộ Tài chính đã yêu cầu EVN phải xây dựng cơ chế, định mức đối với các công trình xây dựng này.
Đồng trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề giá xăng, điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cho biết: Nghị định 84 vận hành mang nhiều kết quả. Trong đó, kết quả lớn nhất là giá thị trường theo quản lý Nhà nước. Việc điều chỉnh Nghị định 84 sẽ làm sao cho điều hành kinh doannh xăng dầu bám sát tín hiệu thị trường hơn và mang tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, thêm nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, sử dụng hiệu quả hơn quỹ bình ổn xăng dầu, đồng thời phát triển đưa vào sử dụng nhiên liệu sinh học, giảm giá thành của xăng cũng như ô nhiễm môi trường. Về minh bạch giá, Bộ Công thương thời gian qua đã liên tục yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu và cả điện công khai minh bạch hoạt động của mình; công khai trên website của các công ty xăng dầu, điện và Bộ Công thương. Về tính giá điện của EVN, Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với 6 dự án điện thì chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 có bể bơi và biệt thự. Đây là công trình sử dụng vốn ưu đãi Nhật Bản, xa trung tâm TP.Cần Thơ nên phải xây dựng các công trình này để phục vụ chuyên gia Nhật Bản. Còn sau đó sẽ chuyển giao cho VN. Các nhà máy còn lại không có bể bơi và biệt thự. Các công trình tiện ích không tính vào giá thành điện. Khi xây công trình ở vùng xa thì doanh nghiệp đều phải tính tới nhà ở, tiện ích cho công nhân và điện lực tính giá thuê cho công nhân chứ không tính vào giá điện. |
Nguyên Mi
>> Chuyện ít biết về đảm bảo điện cho các kỳ họp Quốc hội
>> Vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tại Quốc hội
>> Quốc hội quyết chi thêm 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ các lực lượng bám biển
>> Khi Quốc hội cùng nhịp thở với dân
>> Trình Quốc hội luật Biểu tình tại kỳ họp đầu năm 2015
Bình luận (0)