Bộ trưởng Công thương cam kết 'không bao che' cán bộ nhũng nhiễu

04/06/2024 18:23 GMT+7

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có hay không tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương 'cam kết không bao che'.

Chiều 4.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cho hay, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và cơ khí, nhưng kết quả còn hạn chế. Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá kết quả triển khai các chính sách này trong thời gian qua.

Đáng chú ý, đại biểu An dẫn thông tin từ báo chí cho rằng cán bộ của Bộ Công thương gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xem xét, cho hưởng ưu đãi các chính sách trên.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết phản ánh trên có đúng không, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?", đại biểu An đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Công thương cam kết 'không bao che' cán bộ nhũng nhiễu- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn An đặt câu hỏi chất vấn

GIA HÂN

Cam kết không bao che vi phạm

Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc giải quyết thủ tục hành chính, xác định chính sách ưu đãi được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bộ Công thương cũng rất quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng bộ máy hoạt động liêm chính, hiệu quả. Đến nay, 99% thủ tục hành chính được Bộ Công thương áp dụng mạng toàn trình cấp độ 4.

"Với thông tin báo chí nêu, bộ đã và đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan, cụ thể là Cục Công nghiệp và cá nhân đang có quá trình kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm. Chúng tôi cam kết không bao che các đối tượng vi phạm", ông Diên khẳng định.

Bộ trưởng Công thương cam kết 'không bao che' cán bộ nhũng nhiễu

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã trở thành vai trò đầu tàu, tỷ lệ nội địa hóa nhiều ngành dệt may và da giày được nâng cao, đạt tới 50%, cơ khí đạt tới hơn 30%.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao trình độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng, góp phần thu hút tập đoàn lớn của thế giới, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam…

Tuy vậy, việc triển khai chính sách ưu đãi còn hạn chế. Nguồn lực ưu đãi của T.Ư và địa phương còn ít và chồng chéo, khó tiếp cận; điều kiện hưởng ưu đãi còn ngặt nghèo, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Đồng thời, chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc và khuyến khích doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt cũng chưa quan tâm và tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực này, vì yêu cầu nhiều nguồn vốn, kinh nghiệm.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, nghiên cứu xây dựng luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, gồm các ngành cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng…

Bộ trưởng Công thương cam kết 'không bao che' cán bộ nhũng nhiễu- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

GIA HÂN


Hàng giả, hàng nhái, trách nhiệm người đứng đầu ra sao?

Tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết có giải pháp gì nếu người đứng đầu, lãnh đạo quản lý, công chức trực tiếp quản lý trên địa bàn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trả lời nội dung trên, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong việc thương mại điện tử phát triển như hiện nay xuất phát từ lợi nhuận, "vì lợi nhuận thì người ta làm thôi'.

Ông cho rằng trách nhiệm trong việc này phải xác định cho từng cơ quan chức năng, tổ chức liên quan. Nếu quy định trách nhiệm cho người đứng đầu, vậy người đứng đầu ở đây là người đứng đầu địa phương, người đứng đầu ngành hay đứng đầu cơ quan.

Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu là yêu cầu cần thiết, nhưng nếu dồn trách nhiệm cho một người là câu chuyện phải tính. Bởi điều này còn tùy thuộc sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, tổ chức. "Nếu dồn trách nhiệm như thế thì cũng chưa thật là đầy đủ", ông Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, trong tương lai, bộ này sẽ cùng các cơ quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có quy định cho phù hợp. Thực tế có nhiều việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhưng đó là việc người đứng đầu có thể kiểm soát được. Nhưng với tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu quy trách nhiệm cho 'một khái niệm người đứng đầu chung chung thì rất khó'.

"Còn nếu quy trách nhiệm cho người đứng đầu một đơn vị chức năng cụ thể, một công việc cụ thể thì cái đó có thể được, nhưng cũng rất cần có thời gian nghiên cứu.

Chúng ta ngồi đây có rất nhiều người đang là người đứng đầu, nếu chúng ta quy định như thế thì chắc chắn không dễ gì thực hiện", Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.