Bộ trưởng Công thương: ‘Có thể thoái vốn Habeco xong trong năm nay’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
12/06/2018 14:42 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định không vì lý do Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình sắp xếp các doanh nghiệp của Bộ mà để quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước của Bộ này chậm trễ.

Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định không vì việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra quá trình sắp xếp các doanh nghiệp của ngành Công thương mà việc cổ phần hoá, thoái vốn trong năm nay sẽ bị chậm, như với trường hợp đáng chú ý nhất là Habeco thì có thể thoái vốn tiếp ngay trong năm 2018. 
Cuối tuần trước, Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra việc thoái vốn, cổ phần hoá tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương. Việc sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ “có vấn đề”, hay đây là thanh tra theo kế hoạch trước, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo tôi biết thì việc này Thanh tra Chính phủ thực hiện do yêu cầu của Chính phủ chỉ đạo, nhằm phục vụ việc tổng kết cổ phần hoá, thoái vốn, để làm sao tới đây, công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu quả nhất, vì thời gian qua có một số việc để lại những thông tin dư luận chưa tốt.
Vậy việc thanh tra trong lúc này liệu có làm chậm lại kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý vốn, đang rất được chờ đợi như Habeco, Petrolimex…?
Hai việc này vẫn tiến hành đồng thời. Các chỉ đạo của Chính phủ, khuôn khổ pháp lý cho cổ phần hoá, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tại các ngành vẫn có giá trị và hiệu lực nên chúng ta vẫn tiếp tục làm. Tất nhiên, hiệu quả của các chính sách, khuôn khổ pháp luật đó đến mức độ nào thì còn phải đánh giá, nhưng trên thực tế, có thể nói hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ để chúng ta có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện. Còn có vấn đề liên quan đến quan điểm của dư luận rằng việc này (việc thoái vốn, cổ phần hoá) cần được làm tốt hơn thì bản thân các cơ quan chức năng sẽ phối hợp cho tốt, để việc thanh tra lần này không ảnh hưởng đến công việc, tiến độ thoái vốn, cổ phần hoá.
Nhưng thực tế thì việc thoái vốn đang rất chậm, như vụ thoái vốn Habeco rất được chú ý, nhưng dường như cả năm qua không có dấu hiệu nào cho thấy có tiến triển?
Habeco thì Bộ Công thương vẫn tiếp tục làm. Bộ đang tích cực chỉ đạo doanh nghiệp thoái vốn tại Habeco là thực hiện lộ trình riêng theo quyết định của Chính phủ và Chính phủ yêu cầu Bộ có Ban chỉ đạo. Tuy nhiên, hoạt động cụ thể thì doanh nghiệp phải trực tiếp triển khai thực hiện, và hiện Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp tích cực làm việc với các đối tác liên quan, nhất là đối tác nước ngoài.
Theo đánh giá của tôi, nếu tích cực thì trong năm 2018 này, việc thoái vốn vẫn có thể được thực hiện. Tuy nhiên, việc này vẫn phụ thuộc một số yếu tố trong quá trình đàm phán mà không thể tính hay lường hết được. Song chúng tôi vẫn hy vọng sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng để thoái vốn.
Habeco đang sa sút lợi nhuận, việc để chậm thoái vốn liệu có ảnh hưởng đến giá trị khoản mà Nhà nước sẽ thu về sẽ giảm?
Chính vì vậy nên chúng ta đang tiếp tục hoàn tất thủ tục thoái vốn. Chúng tôi đang quyết liệt xử lý các tồn đọng, nhưng yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người, vì vai trò người đứng đầu rất quan trọng trong việc có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại.
Thời gian qua, tại Habeco có một số vấn đề có vi phạm, thậm chí là sai phạm pháp luật, thì Bộ đang chỉ đạo tổ chức kiểm tra và trên cơ sở xác định vi phạm thì sẽ xử lý, nhưng trước mắt là chúng tôi lập tức triển khai ngay công tác nhân sự để làm sao nhân sự thay thế đảm bảo cho năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp vừa thực hiện việc bán vốn, vừa đảm bảo khôi phục kinh doanh có hiệu quả.
Trrước đây Habeco có ký thỏa thuận với Carlsberg, theo đó khi thực hiện việc thoái vốn tiếp thì đầu tiên phải ưu tiên Carlsberg trong việc mua thêm cổ phần của Nhà nước. Vậy hướng xử lý sắp tới sẽ thế nào, thưa ông?
Hướng xử lý là phải theo quy định luật pháp nhưng đồng thời có tính kế thừa (thoả thuận trước) để giải quyết thấu đáo. Việc này đòi hỏi cả hai phía phải nỗ lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.