Bộ trưởng Công thương: 'Giá xăng dầu Việt Nam có thể nói thấp nhất thế giới'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/10/2022 11:54 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, giá xăng dầu Việt Nam có thể nói thấp nhất thế giới ; nguồn cung xăng dầu chưa bao giờ thiếu, song việc quản lý và các chi phí trong đảm bảo nguồn cung đã lạc hậu dẫn đến tình trạng đứt gãy cung ứng như vừa qua.

Sáng 22.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

gia hân

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về vấn đề cung ứng xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (đại biểu đoàn Hải Phòng) cho biết, hiện cả thế giới đang điêu đứng vì vấn đề năng lượng, giá cao nhưng cũng không có hàng để mua.

Thông tin 5 ngày trước ông vừa sang công tác tại Nga về diễn đàn năng lượng, Bộ trưởng Diên cho biết, giá bán lẻ xăng ở Nga tính ra đô khoảng 1 - 1,2 USD, tương đương 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21.000 - 25.000 đồng/lít, cao nhất, ở thời điểm này là 23.000 đồng/lít.

“Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới”, ông Diên khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công thương: “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu”

"Nguồn cung xăng dầu Việt Nam chưa bao giờ thiếu"

Về lý do bảo đảm cung ứng xăng dầu nhưng nhiều cửa hàng đóng cửa, ông Diên nhấn mạnh: “Về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu”. Do đó, ông Diên khẳng định, cho đến thời điểm này, khi dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.

“Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Hàng ngày chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước kết hợp với Sở Công thương các tỉnh kiểm soát từng địa bàn, nắm lượng hàng”, ông Diên khẳng định.

Cho biết Việt Nam có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10, theo ông Diên, với lượng dự trữ này, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Sang tháng 11, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.

Xem nhanh 20h ngày 22.10: Giá xăng Việt Nam ‘thấp nhất thế giới’ | Than khổ vì con đi học sớm

Lý giải việc nguồn cung đảm bảo song bán ra thị trường “có khó khăn”, ông Diên cho hay, khó khăn này là trên cả nước. “Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm”, ông Diên nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, hàng loạt chi phí đã lỗi thời. Từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… đều bất cập, lạc hậu.

Ông Diên thông tin, đối với việc quản lý mặt hàng xăng dầu, dư luận đặt vấn đề trách nhiệm thuộc ngành công thương, song thực tế trách nhiệm không chỉ của Bộ Công thương.

“Đúng là chúng tôi được giao quản lý mặt hàng này. Nhưng xin thưa là quản lý xăng dầu gồm 7 bộ, ngành cùng địa phương cùng chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ Công thương chỉ được giao làm sao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối”, ông Diên nhấn mạnh.

Theo ông Diên, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.

“Trong phân phối, chúng tôi có nguồn, nhưng để phân phối được ngoài kiểm soát, điều phối doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát và xử lý hệ thống đại lý, tổng đại lý. Có như vậy mới đồng bộ”, ông Diên phân tích.

Chiều 21.10.2022: Xăng tăng giá, nhiều cửa hàng ở TP.HCM vẫn không có hàng để bán

Doanh nghiệp xăng dầu tham gia bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền vơi đi

Với thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu… trong giá xăng dầu, ông Diên nhấn mạnh là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. Ngoài ra, theo ông Diên, Bộ Giao thông vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này. Quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ KH-CN, quản lý môi trường là Bộ TN-MT.

"Vậy thì làm sao chỉ xảy ra thiếu hụt xăng dầu ở phía nam?", ông Diên cho hay, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả.

“Giờ siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà xăng dầu chính thống, như vừa phân tích, nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ, thì không ai làm”, ông Diên nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản có tác động nhất định tới thị trường xăng dầu.

“Thông thường những doanh nghiệp làm xăng dầu đều có tham gia ít nhiều bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập là đương nhiên”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Diên cho biết, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một khoản để vay. Hạn mức này quy định từ trước khi giá xăng dầu trước chỉ 50 - 60 USD/thùng. Giá hiện giờ tăng 2 lần, nhưng hạn mức tín dụng chỉ có thế.

“Như vậy, những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành, cũng không có tiền để nhập, chưa kể có anh làm tay trái nọ kia”, ông Diên nói.

Về xử lý vướng mắc, ông Diên nêu quan điểm, doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý.

Theo ông Diên, nếu rút giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý. Như thế dẫn đến “quýt làm cam chịu”.

“Sau này chúng tôi sẽ làm theo hướng, anh vi phạm thì lần 1 phạt tiền, lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Anh đi thì người khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua”, ông Diên nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.