Bộ trưởng Công thương: 'Hiệp định CPTPP sẽ là chất xúc tác cho quá trình cải cách'

03/11/2018 10:28 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi khi tham gia các FTA của Việt Nam thuộc loại khá so với các nước trong khu vực và với CPTPP , khả năng tận dụng ưu đãi sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí xung quanh việc làm sao để thực thi có hiệu quả nhất các lợi thế mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại trong bối cảnh Quốc hội đang thực hiện những bước cuối cùng để phê chuẩn hiệp định.
Áp lực cải cách tốt cho khu vực công
- CPTPP đang tới những bước cuối cùng để Quốc hội phê chuẩn, vậy tới đây Bộ Công thương sẽ làm gì để Hiệp định đi vào thực thi đạt hiệu quả cao, giúp người dân và doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chính phủ đã giao các bộ, ngành chuẩn bị để có thể ban hành ngay chương trình hành động của Chính phủ sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP với các nội dung và thời gian cụ thể để sẵn sàng cho công tác thực thi. Đó là các bước cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó có các lĩnh vực có thể giúp ta từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, minh bạch hóa và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.
Các giải pháp phụ trợ đồng bộ, nhất là về thể chế để phát huy tác dụng tích cực của FTA và nắm bắt được các cơ hội do FTA mang lại. Việc đổi mới về thể chế bao gồm sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, phổ biến để cung cấp thông tin về các cam kết trong Hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để giúp các đối tượng này chủ động nắm bắt cơ hội, đối phó với thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
- Trong tình hình hiện nay, theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào sẽ bị áp lực cạnh tranh nhất, ngành nào cần được quan tâm nhất và cần thời gian để chuẩn bị tốt nhất?
Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức về kinh tế như trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, thách thức về xã hội. Một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu của các nước thành viên CPTPP.
Trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào thì quan tâm của hàng đầu Chính phủ đều là lĩnh vực nông nghiệp do khả năng thích ứng, chuyển đổi của các ngành nông nghiệp thường khó hơn so với sản xuất công nghiệp. Do vậy, nông nghiệp cũng là lĩnh vực có thời gian chuyển đổi để thực hiện cam kết dài nhất.
Với Hiệp định CPTPP thì lộ trình thực hiện các cam kết được lùi đến đầu năm 2019 cũng sẽ giúp có thêm thời gian chuẩn bị để có thể chịu được các áp lực của cạnh tranh.
- Việt Nam là nước có trình độ thấp nhất trong 11 nên kinh tế tham gia CPTPP, vậy theo Bộ trưởng chúng ta có vượt qua thách thức để tận dụng tốt cơ hội mà CPTPP mang lại?
So với các nước khác trong CPTPP, chúng ta là nước có trình độ phát triển thấp nhất. Các nước tham gia CPTPP phần nhiều được coi là các điển hình về cải cách, mở cửa và xây dựng được các quy định tạo thuận lợi nhất cho thương mại. Tham gia CPTPP cũng là cơ hội để chúng ta có thể học hỏi và vươn lên.
CPTPP có các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ... Do vậy, đây là cơ sở để ta tiến hành hành cải cách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định về cải thiện hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công hay các lĩnh vực mới như thương mại điện tử. Do vậy, Hiệp định sẽ là chất xúc tác cho quá trình cải cách, chuyển đổi cơ cấu và tăng cường hiệu quả của công tác quản lý kinh tế trong thời gian tới đây.
Có thể tận dụng được 70% các ưu đãi
- Nhiều ý kiến lo ngại rằng rất nhiều hiệp định được thực thi nhưng việc tận dụng cơ hội của chúng ta lại chưa cao và hoài nghi rằng các lợi ích của CPTPP có được khai thác có hiệu quả, Bộ trưởng chia sẻ sao về điều này?
Thời kỳ đầu, khi chúng ta bắt đầu hội nhập với khu vực thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do khá thấp, thậm chí ở một số thị trường chỉ đạt trên dưới 10%. Tuy nhiên, sau một quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt về lựa chọn đối tác cũng như triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuyên truyền các nội dung của các hiệp định đã được ký kết…
Kết quả là tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong các FTA đã có sự cải thiện đáng kể, đạt mức xấp xỉ 40% trong 9 tháng năm nay. Đặc biệt, với các đối tác do ta chủ động đề xuất đàm phán thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi ở mức rất cao, có thể đạt đến gần 70%. Đây là tỷ lệ thuộc loại khá so với các nước trong khu vực và phần nào thể hiện các cải cách trong nước của ta đã giúp doanh nghiệp có khả năng để tận dụng tốt hơn khi thị trường được mở ra. Với các nước CPTPP, chúng ta có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cao nên chúng tôi tin tưởng khả năng tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.
- Hiệp định được nhiều nước phê chuẩn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang rất căng thẳng. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về ý nghĩa và vai trò mà CPTPP mang lại cho Việt Nam?
Với các căng thẳng thương mại đang diễn ra, các doanh nghiệp lớn có xu hướng thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Việc Việt Nam có được FTA với tiêu chuẩn cao sẽ giúp ta sớm tham gia vào các chuỗi cung ứng mới được hình thành này. Chính vì vậy, CPTPP dù chưa có hiệu lực chính thức nhưng nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc... đã bày tỏ mong muốn tham gia để cùng tận dụng được xu thế chuyển dịch nói trên. Việc Việt Nam tham gia CPTPP với tư cách là nhóm nước đầu tiên chắc chắn sẽ giúp chúng ta có chỗ đứng tốt hơn trong thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, Hiệp định CPTPP với các tiêu chuẩn tự do hóa ở mức cao và quy mô thị trường tương đối lớn cũng được nhiều nước coi là “cảng tránh bão” khá an toàn trong bối cảnh có các sóng gió trong quan hệ thương mại trên quy mô toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.