Chiều 10.11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung bắt đầu trả lời chất vấn về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn |
gia hân |
Ông Dung cũng trả lời về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc.
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt vấn đề, người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?
"Báo chí đưa tin gần đây có 22.000 người nhận nhầm hỗ trợ. Bộ có nắm được không, xử lý thế nào, kết quả ra sao?", đại biểu Hương hỏi thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.
Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề này. Trước đây dự kiến 1.7.2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1.1.2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỉ đồng.
"Chúng tôi phấn đấu đến 1.1.2022, người về hưu được hưởng chính sách mới", ông Dung nói.
Đã thu hồi đủ tiền hỗ trợ nhầm ở Bình Dương
Về trường hợp chi nhầm hỗ trợ ở tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi có dư luận báo chí, ông điện thoại trực tiếp cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và cử một Thứ trưởng của Bộ cùng đại diện T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào làm việc.
“Chúng tôi xác định khoảng 1.490 trường hợp nhận tiền hỗ trợ sai. Đây là chính sách hỗ trợ với người phải thuê trọ của tỉnh Bình Dương với mức 800.000 đồng/người. Chính Bình Dương đã phát hiện số lượng đăng ký lớn, đáng nghi ngờ và rà soát ra số lượng 22.900 hồ sơ trùng lặp, nhưng mới chỉ chi số tiền 1,6 tỉ đồng. Phần đông đã tự hoàn trả lại khi thấy mình nhận không đúng chính sách. Đến nay công việc này đã giải quyết xong, số tiền này thu hồi đã đầy đủ”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) về việc dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều trẻ em tại TP.HCM và các tỉnh phía nam mồ côi, gây áp lực cho xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch, còn tại Việt Nam có hơn 2.500 trẻ em rơi vào hoàn cảnh này.
Về chế độ bảo trợ đối với trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã có các chính sách của nhà nước đảm bảo tương đối đầy đủ. Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để lo cho trẻ em. Phương châm là vận động để tới nay các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu, trường hợp không còn người thân thì lo tìm mẹ cho các cháu.
Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Bình luận (0)