Chiều 11.8, trao đổi với PV Thanh Niên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ông hoan nghênh Báo Thanh Niên đã đăng tải loạt bài rất ý nghĩa và xúc động về các liệt sĩ "Hang Tám Cô".
tin liên quan
Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thậtBộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Người có công (trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp Sở LĐ-TB-XH 2 tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa tổ chức lấy mẫu sinh phẩm để tiến hành giám định ADN xác định danh tính cụ thể của các liệt sĩ. Việc xét nghiệm này thực hiện và hoàn tất trong tháng 8.2017 để Bộ làm căn cứ cho hướng xử lý tiếp theo.
|
“Sự hy sinh anh dũng của các anh chị thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô đã trở thành huyền thoại, có ý nghĩa sâu sắc. Thời gian quy tập hài cốt từng được tiến hành từ rất lâu (hơn 20 năm trước - PV) nên vào thời điểm đó có những việc chưa thật sự trọn vẹn. Bây giờ trách nhiệm của người đang sống cần phải có hướng xử lý phù hợp, thể hiện đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đáp ứng ước nguyện chính đáng của thân nhân các liệt sĩ. Bộ đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này. Dù còn chút manh mối nhỏ cũng quyết tâm làm đến cùng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
tin liên quan
Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thật: Không thể tồn tại sự mù mờViệc trả lại tên cho các liệt sĩ thanh niên xung phong Hang Tám Cô tưởng chừng đã có hồi kết...
Như Thanh Niên đã tìm hiểu và có loạt bài phản ánh, ngày 14.11.1972, máy bay Mỹ đánh sập một hang đá ở km16 đường 20 Quyết Thắng - cung đường huyết mạch trong chiến tranh thuộc địa bàn xã Tân Trạch, H.Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chôn vùi 8 thanh niên xung phong cùng với huyền thoại về chiến công và sự hy sinh anh dũng của họ.
24 năm sau đó, tức vào năm 1996, tỉnh Quảng Bình mới tổ chức khai quật, đưa 8 hài cốt về an táng tại quê nhà H.Hoằng Hóa.
Theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 1998, Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình ký hợp đồng với Xí nghiệp xây dựng Trường Xuân xây một nhà bia tưởng niệm tại cửa hang. Ngày 3.8.1996, khi các thợ xây đào rảnh thoát nước từ trong hang ra ngoài thì phát hiện 6 bộ hài cốt hầu như còn đầy đủ ngay chính trong Hang Tám Cô. Từ đó phát sinh đơn tố cáo về việc làm thiếu sót của Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình trong việc chia 1 hài cốt thành nhiều bộ khác nhau trong đợt khai quật năm 1996.
tin liên quan
Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thật: Canh cánh những nỗi đauNgay khi có những nghi vấn về hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô vào thời điểm hơn 20 năm trước, ông Lê Thanh Am, một cán bộ mặt trận ở H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa), quê hương các liệt sĩ, gửi đơn kiến nghị theo nguyện vọng của các gia đình: “7 bộ hài cốt được bàn giao trước đây thực chất là 1 người nên dồn lại, còn cho các gia đình đưa 6 hài cốt mới tìm được về nghĩa trang chôn cất”.
Vào thời điểm đó, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã vào cuộc. Qua kiểm tra từ việc phát hiện thêm 6 bộ hài cốt, ngày 29.8.1996, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, nói rõ việc cất bốc hài cốt ở Hang Tám Cô là “có thiếu sót lớn”.
PV Thanh Niên cùng nhiều tờ báo khác cũng đã tìm hiểu và có nhiều bài phản ánh. Gia đình các liệt sĩ liên tục gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi đề nghị làm rõ những nghi vấn để trả lại tên cho 8 liệt sĩ thanh niên xung phong nhưng vụ việc vẫn không được làm sáng tỏ.
Chính từ việc “có thiếu sót lớn” của một số cá nhân, tổ chức tỉnh Quảng Bình vào thời điểm 1996, 8 hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong Hang Tám Cô đã được “chia” thành 14 ngôi mộ nằm ở 2 nghĩa trang khác nhau của hai tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa.
tin liên quan
Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thật: Trả lại tên cho các liệt sĩ'Tôi đã già rồi, ước mong chỉ thấy được phần mộ chính xác của con để yên lòng nhắm mắt'
Sự hy sinh của 8 thanh niên xung phong đã tạo một sự xúc động mãnh liệt không chỉ cho những người cùng thời mà cho cả thế hệ sau này. Tất cả các liệt sĩ đều cùng quê H.Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gồm: Nguyễn Văn Huệ (sinh 1952, xã Hoằng Trường), Nguyễn Văn Phương (1954, xã Hoằng Trường), Hoàng Văn Vụ (1953, xã Hoằng Hà), Nguyễn Mậu Kỷ (1947, xã Hoằng Đạt), Trần Thị Tơ (1954, xã Hoằng Trường), Lê Thị Lương (1953, xã Hoằng Thịnh), Đỗ Thị Loan (1952, xã Hoằng Ngọc), Lê Thị Mai (1952, xã Hoằng Thịnh).
|
Bình luận (0)