Chiều 17.5, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc họp rà soát nội dung sửa đổi Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Một trong những nội dung được cuộc họp đề cập khá kỹ là dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016 trước đây có quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí là 70 km. Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí đã bị bãi bỏ.
Theo nhiều ý kiến tại cuộc họp, việc dự thảo lần 2 bỏ quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí là hợp lý, bởi tại Thông tư 49/2016 không có quy định nào đề cập đến nội dung này, nên việc đưa quy định này vào thông tư sửa đổi từ đầu là đã không hợp lý. Mặt khác, việc thực hiện các dự án BOT giao thông cũng như việc triển khai các trạm thu phí tới đây sẽ thực hiện theo phương thức mới. Cụ thể, BOT chỉ thực hiện đối với các đoạn đường mới, không thực hiện trên đường độc đạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc đưa vào và rút ra quy định khoảng cách trạm thu phí là cách hiểu lầm tai hại của ban soạn thảo dự thảo thông tư.
“Tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ đã không hiểu được bản chất vấn đề và thực hiện sai sót khiến dư luận phản ứng. Khi xảy ra chuyện, các anh không giải thích, do hạn chế về năng lực nên không dám cung cấp thông tin cho dư luận được rõ. Ở đây có sự yếu kém, máy móc. Khi không còn làm đường như cũ nữa thì đưa quy định này vào để làm gì? Do đó, tôi yêu cầu Tổng cục trưởng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của ban soạn thảo và các bên liên quan gửi báo cáo về Bộ”, ông Thể gay gắt.
Trong việc sửa đổi Thông tư 49, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ban soạn thảo phải tiếp tục rà soát đưa vào các quy định ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư trong việc quyết toán, quản lý công trình, đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn giao thông....
Liên quan đến việc triển khai các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Theo đó, “không triển khai dự án mới thu phí trên các đường độc đạo hay đường hiện hữu, bởi đây là đường quốc gia, BOT chỉ thực hiện trên đường mới hoàn toàn. Để thực hiện tốt Nghị quyết này, Bộ Giao thông vận tải mong tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tạo sự đồng thuận trong dân. Với dự án mới, khi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội, thì phải trả chi phí, nếu không trả thì ta đi trên đường cũ”.
Mặt khác, ông Thể cũng khẳng định, từ nay về sau, các trạm thu giá BOT sẽ ứng dụng thu phí kín, thu phí không dừng, giúp dòng xe đi nhanh hơn, người dân và doanh nghiệp giảm thời gian dừng đỗ chờ, giúp giám sát thu chi một cách minh bạch, người dân có thể đánh giá được việc thu của các nhà đầu tư.
"Tiếp nữa, chúng tôi sẽ tiến tới bỏ barie vật cản trên đường, chỉ thu bằng cổng, sao cho không có chướng ngại vật trên các quốc lộ để phương tiện đi lại thuận lợi, an toàn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bình luận (0)