Bộ trưởng KH-ĐT: ‘TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển’

Mai Hà
Mai Hà
30/05/2023 18:50 GMT+7

Bàn về các chính sách đặc thù cho TP.HCM, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, có ý kiến rất đáng cân nhắc như có thể tập trung vốn ODA cho thành phố vay 10 - 20 tỉ USD làm các công trình lớn.

Góp ý cho dự thảo nghị quyết về các chính sách đặc thù cho TP.HCM thay thế cho Nghị quyết 54 tại thảo luận tổ chiều 30.5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết phát triển của TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại.

Bộ trưởng KH-ĐT: ‘TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

GIA HÂN

Theo ông Dũng, các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 đã tháo gỡ cho TP.HCM nhiều vấn đề, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên một số cơ chế còn chậm áp dụng như dư nợ cho vay đến 90% nhưng mới được 31%, huy động nhân tài, nhà khoa học chưa làm được nhiều, huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ của thành phố cũng chưa nhiều…

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh, thời gian tới, TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế, trước đây TP.HCM định hướng là “hòn ngọc Viễn Đông”, còn theo nghị quyết Đại hội Đảng XIII, TP.HCM còn là trung tâm tài chính quốc tế. “Phải tạo điều kiện cho TP.HCM có cơ chế theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá, giúp thành phố phát triển mạnh hơn”.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: TP.HCM - "Hòn ngọc Viễn Đông" đã bớt chói sáng rồi

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, ông Dũng cũng cho biết các chính sách tập trung 3 vấn đề, trong đó các cơ chế chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TP.HCM. Nhu cầu rất lớn như các dự án đường sắt đô thị nhưng mới làm được 1 tuyến, ách tắc giao thông, úng ngập, quá tải hạ tầng…

“TP.HCM như đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để TP.HCM phát triển. Tinh thần chung thống nhất như vậy. Tờ trình cũng nêu cơ chế thí điểm có thời hạn, gồm các chính sách kế thừa các chính sách có hiệu quả của Nghị quyết 54, một số chính sách phải sửa đổi, bổ sung; một số chính sách mới đã áp dụng cho 9 địa phương khác; chính sách liên quan đến những luật đang sửa đổi và chính sách chưa có ở đâu”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho rằng các chính sách tập trung 3 trụ cột tạo thêm nguồn lực cho thành phố; phân cấp phân quyền tạo chủ động cho thành phố; rút gọn một số thủ tục.

Bộ trưởng KH-ĐT cũng khẳng định sẽ phối hợp thêm với các chuyên gia để xây dựng các chính sách mạnh nhất đáp ứng yêu cầu của thành phố. “Một số đại biểu nói chính sách còn nhiều quá, chưa trọng tâm, hay chưa đủ mạnh, chưa đột phá. Có ý kiến nên tập trung nguồn lực ODA cho TP.HCM vay khoảng 10 - 20 tỉ USD vay làm các công trình lớn mà trước sau cũng phải làm, nhưng đẩy nhanh lên để tạo động lực mới, cú hích mới cho thành phố”, ông Dũng nói và cho rằng ý kiến này rất đáng suy nghĩ.

Bởi lẽ hiện các chính sách đặc thù mới chỉ tập trung tăng dư nợ, tăng room, “đa số thận trọng”, trong khi hoàn toàn có thể mạnh dạn hơn và có cơ chế kiểm soát. “Đừng để sau 5 năm đánh giá lại không giải quyết được gì thì giảm ý nghĩa của nghị quyết, làm sao cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn với giá trị mới, sứ mệnh mới. Sau thời gian thử nghiệm phải có tổng kết đánh giá, có kiểm tra giám sát. Cái nào đúng thì luật hóa, nhân rộng áp dụng chung cho cả các địa phương khác chứ không chỉ riêng TP.HCM”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH-ĐT: ‘TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển’ - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 30.5

GIA HÂN

Vay nhiều có nguy cơ vỡ nợ

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng đánh giá TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, phát triển rất mạnh, nhưng năm 2022 có dấu hiệu chững lại, do ảnh hưởng nhiều vấn đề. Đồng tình việc cần có giải pháp để khuyến khích TP.HCM phát triển, ông Vận cho rằng cần tạo cơ chế chủ động cho thành phố nhưng cơ chế giám sát phải được nâng lên.

Đại biểu này cũng lo ngại nếu việc vay chi nhiều quá không bù đắp được sẽ có nguy cơ vỡ nợ. Một số thành phố lớn trên thế giới cũng vỡ nợ công vì thu không đủ khả năng bù đắp chi.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), cũng đồng thuận cho rằng qua thí điểm Nghị quyết 54, TP.HCM đã có chuyển đổi rất tích cực và tiến độ về quy mô kinh tế, thu ngân sách.

Song theo ông, có những chính sách rất mới trong Nghị quyết 54 mới khởi động, quỹ thời gian còn lại rất ngắn, chưa đủ để triển khai trọn vẹn. Cần phân tích rõ các chính sách đã thực hiện đến đâu, cái nào còn phù hợp, cái nào cần bổ sung.

Cụ thể, với nội dung giao TP.HCM lập Sở An toàn thực phẩm, ông Thắng cho biết Quốc hội khóa 14 cũng đã bàn và thấy bất cập của lĩnh vực này. TP.HCM đã thí điểm lập Ban An toàn thực phẩm, nhưng có phát sinh bộ máy, làm tăng biên chế không?

“Cần kế thừa các chính sách đạt được của Nghị quyết 54. Thí điểm 5 năm là đặc thù nhưng 10 năm sau là phổ quát, để có thể luật hóa các chính sách, không thể lúc nào cũng đặc thù”, ông Thắng nêu.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.