Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành lúa gạo chuyển mình để thích ứng với ‘3 biến’

12/12/2023 16:43 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, lúa gạo vùng ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của '3 biến' nên cần phải chủ động chuyển mình để thích ứng.

Ngày 12.12, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ NN-PTNT chủ trì lễ phát động triển khai thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Tham dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành lúa gạo chuyển mình để thích ứng với ‘3 biến’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ phát động

THANH DUY

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ niềm phấn khởi khi vị thế ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố, nâng cao hơn bao giờ hết. Gần đây, gạo Việt Nam liên tiếp được vinh danh trên thế giới và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Trong thành công này có đóng góp rất đáng kể của vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất của vùng luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Theo Bộ trưởng, lợi thế sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là người dân cần cù, có truyền thống sản xuất lúa nước lâu đời, mạnh dạn trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước nhiều tác động, trong đó tác động mạnh mẽ nhất là "3 biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Chất lượng gạo phải được nâng cao, đảm bảo vệ sinh ATTP, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Điều này buộc lúa gạo vùng ĐBSCL cần có bước "chuyển mình" để thích ứng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành lúa gạo chuyển mình để thích ứng với ‘3 biến’ - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất của vùng ĐBSCL luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn

CÔNG HÂN

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Quá trình triển khai đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới, như: chi trả tín chỉ cacbon dựa trên kết quả; tập trung sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất - kinh doanh lúa gạo, hợp tác công - tư hiệu quả và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế được xem là chìa khóa mang lại thành công cho đề án.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của đề án là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người trồng lúa. Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, nhằm hướng tới mục tiêu đưa "phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Bộ NN-PTNT kỳ vọng đề án này cũng chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.