Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
01/04/2024 17:04 GMT+7

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện "thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó" và ngược lại.

Nuôi biển là nuôi cả giá trị hữu hình và vô hình

Phát biểu tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển nhìn từ Quảng Ninh ngày 1.4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định nghề nuôi biển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người
- Ảnh 1.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển

N.H

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nuôi biển là nuôi giá trị biển, cả giá trị hữu hình và vô hình. Dẫn cụm từ "văn hóa biển" trong Nghị quyết 36 của Ban chấp hành T.Ư Đảng về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, người đứng đầu ngành NN-PTNT cho rằng, các doanh nghiệp, cộng đồng ngồi đây nên hiểu rằng, nuôi biển để giải quyết nỗi đau của biển khi mỗi ngày mỗi cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; nỗi đau của những ngư dân khi họ hiểu rằng, hằng ngày họ khai thác tận diệt bằng thuốc nổ, lưới ma… mà vẫn không từ bỏ biển được, hằng ngày vẫn phải ra khơi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người
- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

N.H

"Chúng ta xác định, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột của kinh tế biển, bao gồm: giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển… Khi có mục tiêu, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn này. Mục tiêu của chúng ta xa lắm, sâu lắm, trách nhiệm của chúng ta hôm nay để làm giàu cho biển, một khi chúng ta làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: "Khi tôi nói giảm khai thác, tăng nuôi trồng, chúng ta phải theo đuổi đến đến cùng. Phát triển bền vững không quá phức tạp như chúng ta nghĩ, hãy hiểu như thế này "đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Nuôi biển bền vững là nuôi dưỡng tương lai".

Đặc biệt, người đứng đầu ngành NN-PTNT cho rằng, hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành T.Ư, địa phương - cộng đồng doanh nghiệp - các viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế - tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển - người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển.

"Nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện "thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó" và ngược lại", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Nuôi biển nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương này có thế mạnh vô cùng to lớn đối về kinh tế biển. Cụ thể, tỉnh sở hữu đường bờ biển dài hơn 250 km, hơn 40.000 ha bãi triều, gần 19.000 ha rừng ngập mặn, 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2; 3 khu bảo tồn biển…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người
- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị

N.H

Hiện nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000 ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ. Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292 ha; trong đó nuôi nội địa đạt 32.092 ha, nuôi biển đạt 10.200 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn; trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.