Người phát ngôn Chính phủ cho hay, Chính phủ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài cũng như một số biện pháp hạn chế giao thông công cộng, chứ hoàn toàn không có chuyện phong toả Hà Nội, TPHCM hay một số thành phố lớn.
Cụ thể, trả lời báo chí về Chỉ thị 15 của Thủ tướng áp dụng từ hôm nay, 28.3, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ, nhấn mạnh: "Mức độ của dịch giờ đã khác, cao hơn rất nhiều rồi, nên phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn. Do đó, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục tiêu trong 2 tuần tới phải làm sao ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi người dân phải tự có ý thức để góp phần trong việc này".
Nói rõ hơn về yêu cầu “dừng các hoạt động hội họp tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện”, vậy những trường hợp tập trung đông người khác như trong phòng làm việc, các bếp ăn tập thể, máy bay chở khách trên 20 người… thì sao?, ông Dũng nói: “Chỉ đạo này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay như tổ chức sự kiện, đi chơi đông người... Còn đối với các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị hành chính thì vẫn đi làm”.
“Các cơ quan hành chính, hay ví dụ như ngân hàng là những nơi thực hiện giao dịch thì vẫn làm việc. Tuy nhiên, khi đi làm trong bối cảnh dịch phức tạp, chính các cơ quan, đoàn thể phải tự điều chỉnh. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, rồi chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau”, ông Dũng nói thêm và cho rằng, Chính phủ khuyến cáo chia nhỏ các bộ phận, hạn chế tiếp xúc và mỗi cơ quan phải tự ý thức hơn trong việc này.
Do đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tự sắp xếp sao cho phù hợp để tránh đông hơn 20 người tập trung trong 1 phòng, ví dụ tích cực chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước thông tin "hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc...” khiến nhiều người hiểu là Hà Nội và TP.HCM gần như bị phong tỏa và người dân từ 2 thành phố này cũng như các địa phương có dịch di chuyển đến nơi khác sẽ bị cách ly 14 ngày, Bộ trưởng Ma Tiến Dũng khẳng định: “Thông tin phong tỏa một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là không chính xác. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát”.
Theo ông Dũng, việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp xăng dầu...
Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng biện pháp hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
“Chợ dân sinh nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì không bị tạm dừng hoạt động. Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phòng chống, kiểm soát dịch trên địa bàn để quy định cụ thể”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích.
Bình luận (0)