Hỗ trợ kịp thời cho phòng, chống dịch Covid-19
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
gia hân |
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, chúng ta đẩy mạnh bảo hộ ngư dân, tàu cá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài công tác bảo hộ công dân, theo ông Sơn, trong năm 2021, ngành ngoại giao thực hiện hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
“Đặc biệt là, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, phát huy các kết quả Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chúng ta đã cam kết có trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26; tích cực đóng góp tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác”, ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, công tác đối ngoại tiếp tục đóng góp vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
“Chúng ta đã kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán với các nước liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, giữ vững không khí hữu nghị, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay.
Ông Sơn thông tin, ngoại giao kinh tế cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, dù chịu nhiều tác động, trở ngại của đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế với các đối tác vẫn được duy trì và mở rộng, nhất là gia tăng xuất khẩu, củng cố lòng tin cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc biệt, đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, tranh thủ được sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của quốc tế cho phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Về ngoại giao văn hóa, ông Sơn cho biết, Việt Nam đã vận động động UNESCO công nhận mới 6 di sản, danh hiệu và tôn vinh 3 danh nhân Việt Nam.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
Nói về những đóng góp của ngành ngoại giao trong thời kỳ đổi mới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia; ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA thế hệ mới.
Ông Sơn cũng cho biết, ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao sẽ kết hợp chặt chẽ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các cam kết, thỏa thuận quốc tế, trong đó các FTA đã ký, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
“Trước mắt, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay.
Bình luận (0)