Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2021, mỗi người dân sẽ có một 'danh tính số'

Anh Vũ
Anh Vũ
28/01/2021 15:22 GMT+7

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp.

Trình bày tham luận góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII sáng nay, 28.1, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành TT-TT sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
“Lĩnh vực TT-TT sẽ tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030”, ông Hùng khẳng định.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước hết Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”.
Thứ hai, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Theo Bộ trưởng TT-TT, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các lĩnh vực, và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Các nền tảng “Make in Viet Nam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thực hiện chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, ngành TT-TT đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1.000 người dân/1 doanh nghiệp công nghệ số.
Thứ ba, nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số (e-Identity - là tập hợp các thông tin điện tử phục vụ việc xác định duy nhất một cá nhân), và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến, để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp.

Mỗi người dân sẽ có 1 danh tính số vào năm 2021

Ảnh Ngọc Dương

Hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước.
Bên cạnh đó, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
“Ngành TT-TT tạo thành một đôi cánh: một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần”, Bộ trưởng TT-TTNguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.