Tham dự hội nghị có đại diện các bộ: Công an, GTVT, Xây dựng, Y tế, Công thương, NN-PTNT và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ... Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Duy, dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết nhưng dữ liệu quan trắc của Bộ TN-MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
"Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển", ông Duy nói.
Ông Duy cho hay, thời gian qua, Bộ TN-MT đã cùng các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí. Thế nhưng, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung.
Bộ trưởng Bộ TN-MT nhìn nhận, ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, không phải trách nhiệm của riêng từng bộ, từng ngành hay từng địa phương mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng sẽ có những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ đó, chuyển hóa thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch cho các đô thị lớn trên cả nước.
Tại hội nghị, các nhóm giải pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Theo đó, tập trung vào các giải pháp về chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, khả thi đối với “chuyển đổi xanh”...
Thực hiện theo đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy (nhiệt điện) sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều, sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị, nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển “rừng trong thành phố”.
Khẩn trương rà soát để có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, trong đó có các làng nghề quanh khu vực ngoại thành Hà Nội và phụ cận.
Tập trung đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn tác động đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường... Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.
Nghiên cứu, thí điểm phương án thu thuế, phí với những phương tiện/nguồn thải phát sinh nhiều khí thải gây ô nhiễm (người gây ô nhiễm trả tiền); thu phí đối với phương tiện cá nhân khu vực nội thành, giờ cao điểm…
Bình luận (0)