Bộ trưởng TN-MT: Không hợp thức hoá sai phạm đất đai

Mai Hà
Mai Hà
28/10/2022 12:09 GMT+7

Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo, trước đây có 28.155 ha, hiện nay đã giải quyết được hơn 10.000 ha, vẫn còn lại 18.000 ha đang trong quá trình xử lý.

Giải trình các kiến nghị của đại biểu Quốc hội về quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thống nhất cho rằng còn tồn tại, yếu kém trong quản lý đất đai hiện nay.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

gia hân

“Lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Trước đây có 28.155 ha bỏ hoang, đã giải quyết được hơn 10.000 ha, còn lại 18.000 ha”, Bộ trưởng Hà nói.

Theo người đứng đầu Bộ TN-MT, nguyên nhân có nhiều, do chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi; các nhà đầu tư đã lựa chọn kém năng lực; quá trình xử lý các vấn đề pháp luật đất đai có khoảng chồng chéo, vi phạm pháp luật có kết luận thanh tra hoặc toà án...

Về giải pháp, Chính phủ đã lập đề án tập trung vào 4 tỉnh, thành có trên 2.000 dự án treo, đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền. Đồng tình với các đại biểu sẽ tiếp thu ý kiến vào dự thảo luật Đất đai, ông Hà cho biết, các vấn đề lớn sẽ báo cáo Bộ Chính trị.

“Từ nay tới năm 2024 nên ban hành các Nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị định của Chính phủ thuộc thẩm quyền, để đưa ra cơ chế giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay với 4 tỉnh, thành, sau đó sẽ xem xét, tính toán đưa ra các địa phương khác. Bám sát nguyên tắc không để thất thoát tài sản của nhà nước, không để lợi dụng, hợp thức hóa sai phạm, không ảnh hưởng đến bên thứ 3 là hàng nghìn hộ dân”, ông Hà nói.

Để tránh lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách đất đai, luật Đất đai sẽ tập trung cụ thể vào công cụ quy hoạch, định giá, các dự án sẽ đấu thầu đấu giá để đảm bảo minh bạch.

“Đúng như đại biểu nói, khung giá đất hiện không sát thị trường, cập nhật không đầy đủ, chính xác. Lần này sẽ thay đổi cơ bản định giá trên cơ sở dữ liệu đất đai về giá đất, quy định hợp đồng, qua sàn giao dịch, đăng ký với người dân... Để có phương pháp định giá mới phải thay đổi ngay trong luật”, ông Hà nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rất cao với việc sửa Luật Đất đai

Cơn sốt đất đã tràn về nông thôn

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho biết, việc tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình)

quochoi

Đáng chú ý, hiện nay cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa… Nguyên nhân của các vấn đề trên bắt đầu từ thể chế đang còn những nút thắt lực cản.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi luật Đất đai. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.