Bộ trưởng Văn hóa muốn duy trì Quỹ điện ảnh từ năm 2006 vẫn chưa lập được

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/03/2022 15:28 GMT+7

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định trong luật từ năm 2006 nhưng chưa thể thành lập, song Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc duy trì và hỗ trợ ngân sách nhà nước cho quỹ là cần thiết.

Nhà nước hỗ trợ là cần thiết

Sáng 22.3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề của dự án luật Điện ảnh sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

gia hân

Báo cáo về vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Quỹ) tại dự thảo luật.

Nguyên nhân, theo ông Vinh, là vì việc quy định Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ chưa bảo đảm tính thống nhất với luật Ngân sách.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp.

Ông Vinh cũng cho biết, luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ….

Từ đó, ông Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đề nghị bỏ quy định về Quỹ trong dự thảo luật.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

gia hân

Trong khi đó, báo cáo giải trình của Chính phủ do Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, trình bày, cho biết, việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ với sự hỗ trợ nguồn vốn ban đầu của nhà nước là cần thiết vì điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.

“Nhiều quốc gia trên thế giới đều xây dựng quỹ điện ảnh hoặc xây dựng những cơ chế tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi trực tiếp cho phát triển điện ảnh”, ông Hùng nêu lý do thuyết phục các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Khó ủng hộ"

Cho ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo luật Ngân sách nhà nước thì ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách. Từ đó, ông Hà cho rằng nên bỏ quy định về Quỹ.

“Duy trì Quỹ thì ghi rõ nguồn thu của Quỹ là nguồn nào. Khoản chi là khoản gì và cơ chế quản trị của Quỹ này thế nào, ai quản lý?...”, đại diện Bộ Tài chính hỏi.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực tế một số cơ quan chủ quản hiện nay đã đề xuất bãi bỏ các quỹ ngoài ngân sách thành lập theo các luật chuyên ngành như Quỹ hỗ trợ bệnh nhân HIV, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh… Do đó, bà Oanh đề xuất nếu dự thảo vẫn giữ lại thì phải đánh giá đầy đủ cơ chế hoạt động, nguồn tài chính để đảm bảo khả thi trong thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

gia hân

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá với giải trình của Chính phủ như hiện nay thì “Quốc hội khó mà ủng hộ”. “Từ khi có Luật năm 2006 tới giờ, Quỹ không có, không hiệu quả chắc chắn Quỹ này ra Quốc hội khó mà ủng hộ. Quan điểm của tôi không hiệu quả thì thôi, chứ chính sách đưa ra không hiệu quả thì khó ủng hộ”, ông Thanh nêu.

"Thế giới làm thế nào?"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kinh phí nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn khiêm tốn, và cho rằng luật Điện ảnh sửa đổi phải thể hiện được chủ trương đặt ngang hàng văn hóa với kinh tế, chính trị sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây.

Về việc thành lập Quỹ, ông Huệ cho rằng cần phải làm rõ vì sao từ năm 2006 có quy định rồi mà không làm được. Và nếu muốn duy trì Quỹ thì cơ quan soạn thảo cần phải có lập luận chứng minh thế nào để thuyết phục Quốc hội.

“Không phải lập Quỹ bằng được, rồi gửi ngân hàng lấy lãi nuôi bộ máy quản lý quỹ”, ông Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị học tập kinh nghiệm của nước ngoài. “Thế giới làm thế nào? Tôi thỉnh thoảng xem phim trên Netflix, ngay đầu bộ phim nói rõ bộ phim này được tài trợ bằng quỹ phát triển điện ảnh. Quỹ xã hội hóa rồi thì nhà nước có nên cấp ngân sách vào đây không?”, ông Huệ nêu.

Điều 42 dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.