Sáng 1.11, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa.
Theo ông Hùng, qua rà soát Chính phủ cân đối được nguồn vốn cho phát triển chương trình. Cụ thể, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách T.Ư bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng.
Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu, trong đó phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam...
Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu, trong đó phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.
Ngoài ra, hàng năm có từ 10 - 15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam...
Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhất trí với quan điểm của Chính phủ trong tờ trình, nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội...
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.
Cho ý kiến về tổng mức đầu tư, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện chương trình. Song, có ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn so với các chương trình văn hóa đã thực hiện. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực khả thi, phù hợp...
Bình luận (0)