Thực tế giải ngân các chương trình văn hóa rất khó khăn
Sáng 8.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (chương trình).
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, giai đoạn 2025 - 2035 chương trình dự kiến có tổng vốn đầu tư là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), vốn ngân sách địa phương là 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%) và vốn khác là 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%). Dự kiến tổng vốn đầu tư cho chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, ông Vinh cũng phản ánh, một số ý kiến từ các ủy ban Quốc hội cho rằng, tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện và khả năng giải ngân ở giai đoạn trước.
Các cơ quan này đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, sở dĩ ủy ban này quan ngại về tổng mức đầu tư của chương trình là vì thực tế khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia trước đây là "rất khó khăn".
Ông Mạnh dẫn chứng, giai đoạn 2012 - 2015 chương trình mục tiêu về văn hóa được bố trí 7.968 tỉ đồng, song thực tế chỉ thực hiện được 1.786 tỉ. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến là 10.620 thực tế bố trí được 2.700 tỉ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, các công trình, dự án hạ tầng giải ngân tốt hơn, chi tiêu cũng dễ hơn, còn với lĩnh vực văn hóa thì việc chi một vài chục tỉ, vài ba trăm tỉ rất khó khăn, thời gian chuẩn bị cũng lâu. "Đây là lý do khiến chúng tôi quan ngại khi quy mô vốn lớn trong khi thực tiễn không giải ngân được. Hoặc chúng ta làm đồng loạt cũng rất quan ngại", ông Mạnh nói.
Cạnh đó, việc chương trình chỉ dành 1 năm (2025) để chuẩn bị khung chính sách cho chương trình, ông Mạnh cho rằng cũng là vấn đề quan ngại vì thời gian quá ngắn.
"Một dự án bình thường làm đường, làm cầu chỉ 2 - 3 ngàn tỉ chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều, nhưng chuẩn bị cũng vài năm, có dự án hàng chục năm mà khi đi vào thực hiện vẫn thay đổi nhiều. Trong khi quy mô chương trình lớn thế này mà 1 năm chuẩn bị khung chính sách cho đầu tư là ngắn. Chưa kể đây là chương trình khó, đòi hỏi yếu tố đa chiều", ông Mạnh nêu.
Cùng đó, ông Mạnh lo lắng nguồn vốn cho chương trình trong nhiệm kỳ sau (giai đoạn 2031 - 2035) khi hiện có hàng loạt dự án lớn đang dự kiến xây dựng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường bộ cao tốc tiếp tục hoàn thiện, các tuyến hàng không, hàng hải… "Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá tổng thể để bố trí, cân đối phù hợp cho các chương trình mục tiêu quốc gia", ông Mạnh kiến nghị.
"Nói phải khả thi, chứ nói cho vui, cho hay thì dễ"
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn khi chương trình dự kiến bố trí 400 tỉ đồng trong năm 2025 - năm chuẩn bị khung chính sách cho chương trình trong khi xong các thủ tục thì đã hết năm 2025.
"Làm sao tiêu được 400 tỉ này? Tôi thấy không thể tiêu được đồng nào. Tôi đồng ý bố trí vốn 2025, nhưng bố trí được không và có tiêu được không? Nói phải khả thi, chứ giờ nói cho vui, nói cho hay thì dễ lắm", ông Định nói, đồng thời đồng tình rằng, việc chỉ dành 1 năm để chuẩn bị đầu tư, xây dựng khung chính sách cho chương trình là khó mà làm được.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tổng vốn đầu tư cho chương trình giai đoạn 2025 - 2030 hơn 122.000 tỉ vẫn ít. "Quốc hội, Chính phủ không tiếc tiền, chỉ tiếc là không có nhiều tiền để chi", ông nói. Tuy nhiên, ông Định cho rằng, chương trình cần phải tập trung vào các lĩnh vực không cần dùng nhiều ngân sách vì có rất nhiều thứ không cần dùng nhiều ngân sách nhà nước mà chúng ta vẫn phát triển được.
Cùng đó, ông Định lưu ý, phải tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa để nuôi văn hóa, chứ ngân sách không có nhiều.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên giảm bớt vấn đề xây dựng. "Tiền bỏ ra xây không biết bao nhiêu cho đủ. Xây xong không phát huy hiệu quả thì không nên xây. Bảo tàng, di tích thì cần tôn tạo, nhưng xây thêm, xây hoành tráng ra, rồi bỏ không đấy thì lãng phí", ông Định nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rất xác đáng. Ông đề nghị Chính phủ tính toán khả năng bố trí, huy động nguồn vốn của chương trình, đặt trong tổng thể đầu tư công trung hạn 2025 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm phải tính tới không tiền làm được mới là hay nhất là trong điều kiện đất nước chúng ta còn khó khăn. "Hội An đâu có đầu tư gì nhiều đâu mà khách thập phương tới. Có những chỗ không tiền nhưng người ta làm thu hút, có thương hiệu trong và ngoài nước", Chủ tịch Quốc hội phân tích. Ông cũng gợi mở nên tập trung vào văn hóa cơ sở, văn hóa trong các cơ quan vì đây là vấn đề rất quan trọng, nền tảng; đồng thời cũng là việc không tiền mà có thể làm được.
Bình luận (0)