Bộ trưởng VH-TT-DL: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/11/2021 10:26 GMT+7

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Văn hóa trong thời gian tới là tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Văn hoá đã có đóng góp tích cực, quan trọng

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

Đậu Tiến đạt

Sáng 24.11, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ VH-TT-DL tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.

"Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong lĩnh vực văn hóa như xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa.

Bên cạnh đó, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…

Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn…

"Hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại"

Từ đó, ông Hùng cho biết, để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển văn hóa, toàn ngành Văn hóa sẽ tập trung đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự hội nghị

gia hân

Theo đó, ngành Văn hóa "cần làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị". Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

"Chúng ta cần có nhận thức đúng để hành động đẹp", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, sẽ chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.

"Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi văn học là nhân học”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thứ ba, ông Hùng cho biết, ngành Văn hóa sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Ông Hùng phân tích, khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa.

"Hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa", ông Hùng nhấn mạnh.

Văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030

Bộ trưởng VH-TT-DL cũng đặt mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ - ấm no - hạnh phúc nơi hình thành con người có văn hóa.

Bên cạnh đó là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Ông Hùng cũng kiến nghị, cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa.

Theo ông, văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất.

"Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy, kính đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa", ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.