Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Ứng 30 tỉ để thưởng cho VĐV đạt thành tích cao

17/01/2012 18:00 GMT+7

(TNO) Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng TTĐT Chính phủ vào chiều nay (17.1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết 9 giờ sáng nay vừa ứng 30 tỉ đồng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) để thưởng ngay cho các vận động viên (VĐV) đạt thành tích cao tại SEA Games 26 vừa qua.

Sẽ sử dụng mạng xã hội để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân

Để có quyết định trên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: "Sáng nay, tôi có đọc bản tin tài chính kinh doanh qua mạng, thấy có thông tin là các VĐV đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng hiện chưa nhận được tiền thưởng trong khi Tết sắp đến. Mong các đồng chí thông cảm vì SEA Games kết thúc vào cuối năm, các thủ tục hành chính thì cũng phụ thuộc vào các văn bản được Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT chuyển sang".

Theo Bộ trưởng Huệ, Bộ VH-TT-DL đề nghị 47,3 tỉ đồng và Bộ Tài chính sáng nay đã tạm ứng ngay 30 tỉ đồng để Bộ này và Tổng cục TDTT thưởng cho các VĐV.

Đề cập đến quyết định trên, Bộ trưởng Huệ cho biết: :"Nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các vụ, cục".

Ngoài ra, ông Huệ cũng tiết lộ thêm rằng: "Tôi cũng sử dụng máy tính bảng Ipad và truy cập internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy. Về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chắc là tôi không thạo bằng con gái tôi, nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân". 


Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định nỗ lực để việc tăng lương thực tế hơn chứ không phải trên danh nghĩa - Ảnh: Chinhphu.vn

"Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiểu nôm na là quản lý chi tiêu của một đất nước. Thế ở nhà, Bộ trưởng có quản lý chi tiêu luôn không?" - bà Lê Thị Nga (Nam Định) hỏi. 

Bộ trưởng Huệ bộc bạch, ở nhà việc quản lý chi tiêu là do vợ mình đảm trách. "Tại cơ quan chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì thành “Phó”. Đối với phụ nữ VN nói chung, cũng như với vợ tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu gia đình có thời gian nhiều hơn, chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa".

Giá điện tăng 5%, CPI tăng khoảng 0,369%

Trả lời câu hỏi về con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện (độc giả Đỗ Thị Mai, nhân viên bán hàng siêu thị tại Hà Nội), Bộ trưởng Huệ cho biết: các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng.

Tôi nghĩ rằng, với các biện pháp ngắn hạn, trung và dài hạn quyết liệt và đồng bộ như vậy và năm 2012 là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời về tình hình khó khăn của thị trường chứng khoán trong năm 2011

Cụ thể, một là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%. Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI. Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Khi tăng giá điện, Bộ trưởng Huệ khẳng định: "Nhà nước đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp: giá điện không tăng từ mức 0 - 100kWh; các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30 nghìn đồng".

"Làm thế nào để giải quyết vấn đề khi tăng lương thì các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá theo, khiến việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực của nó là cải thiện đời sống cho công, viên chức" - độc giả Bích Liên (TP.HCM) hỏi.

Bộ trưởng tâm tư rằng đây là trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính. "Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì" - Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Dẫn giải nguồn gốc tăng lương này, Bộ trưởng Huệ khẳng định bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng giải thích: "Đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí đẩy sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát. Đó là hướng chúng ta phải nỗ lực đi theo".

Quan trọng nhất theo ông Huệ là yếu tố tâm lý. "Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”. Trong tháng 10.2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng từ tháng 8 - 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông".

Chính vì vậy mà đợt tăng lương vào 1.5 tới đây (tăng từ 830 ngàn lên 1,050 triệu đồng, phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%), ông Huệ cho rằng: "Nếu làm tốt tuyên truyền, tôi nghĩ yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương".

Ông Huệ cũng mong muốn: "Các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ, với Bộ Tài chính, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân vững tin vào sự điều hành của Chính phủ, không tạo ra những cơn sốt giá hoặc giá chạy trước lương, khiến chính sách tiền lương không đạt được tác dụng như mong muốn".

Cuộc đối thoại của Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn tập trung vào các vấn đề lớn như việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...

Thành Trung (lược ghi)

Xem toàn bộ cuộc đối thoại tại đây

>> Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mức thu phí lưu hành là phù hợp
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tìm nhiều giải pháp để hạ lãi suất”
>> Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Lương tối thiểu cần được xem xét

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.