Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đấu thầu thuốc không thể loạn giá được

14/06/2017 15:27 GMT+7

Đề cập đến việc 'đấu thầu thuốc loạn giá', Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thực tế việc đấu thầu không thể loạn giá được vì kiểm soát rất chặt.

Chiều 14.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐB) chất vấn về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, nhân lực y tế, y tế cơ sở…
Thực tế không thể loạn giá thuốc

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng hiện nay thuốc đông y còn thả nổi, 85% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, mới chỉ kiểm soát về số lượng chứ chưa kiểm soát được chất lượng. Hầu hết dược liệu không đảm bảo chất lượng, có giá rẻ lại trúng thầu.

Bộ trưởng nói rằng tình trạng này chỉ xuất hiện giai đoạn trước, hiện nay Bộ Y tế đã tổ chức một số hội thảo liên quan đến vấn đề này và kiểm soát chất lượng của thuốc, xử lý trường hợp buôn lậu qua biên giới; tập huấn, xử phạt những nơi dùng thuốc không đảm bảo chất lượng.

Còn việc đấu thầu thuốc loạn về giá, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thực tế việc đấu thầu không thể loạn giá được vì kiểm soát rất chặt.

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, bà Kim Tiến cho biết, hiện tại trên cả nước có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau…nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế.
Tuy có chênh lệch giá trúng thầu ở một số trường hợp nhưng mức chênh lệch không lớn và đã được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện tại, Bộ Y tế đang khẩn trương tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có kết quả đàm phán giá và đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và sẽ khắc phục triệt để hơn nữa việc chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc tại cơ sở y tế.

tin liên quan

Minh bạch để giảm tiêu cực trong đấu thầu thuốc
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết Chính phủ đã đồng ý thành lập Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, tiến tới thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia nhằm tránh tình trạng chênh lệch giá.
Nhân lực y tế ở tuyến dưới vừa thiếu, vừa yếu
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sĩ Cương và một số ĐB khác về nhân lực y tế, bộ trưởng thừa nhận có xảy ra tình trạng nhân lực vừa thiếu vừa yếu ở tuyến dưới nên hay xảy ra tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Bản thân các bác sĩ tuyến dưới cũng muốn lên tuyến trên làm việc, bác sĩ giỏi muốn làm việc cho tư nhân để lương cao hơn.

Để khắc phục việc này, Bộ đã thực hiện chế độ cử tuyển để phục vụ tại chỗ và có chương trình với sinh viên y khoa đạt loại giỏi, sau đó đào tạo thêm 3 năm rồi đưa về cơ sở. Tiếp đó, sẽ cho xây dựng các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ chuyển giao kỹ thuật, phương tiện cho bệnh viện tuyến tỉnh.

ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An): "Bộ trưởng có giải pháp gì để ngành y tế đủ nhân lực phục vụ sức khỏe của người dân trong thời gian sắp tới?".

Bộ trưởng Kim Tiến thừa nhận nếu không có giải pháp quyết liệt thì rất khó xử lý, trong tương lai Bộ Y tế sẽ xây lượng tiêu chí, đánh giá độc lập để chấm điểm công khai trên thông tin đại chúng.

Trả lời riêng câu hỏi về quảng cáo thực phẩm chức năng

ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) lo ngại khi trên mạng có nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, một đại diện Bộ y tế khẳng định thực phẩm chức năng không có chức năng chữa bệnh. Nhưng nhiều doanh nghiệp cung cấp thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng để bán được hàng, lừa người tiêu dùng.

ĐB Phương Thảo hỏi: Tại sao trên thông tin đại chúng vẫn có những quảng cáo thực phẩm chức năng khiến nhiều người lầm tưởng là thuốc? Trách nhiệm của Bộ Y tế thế nào trong việc giúp người dân hiểu đúng, dùng đúng để đảm bảo sức khỏe của mình?.

Với chất vấn này, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết sẽ trả lời riêng với ĐB Thảo.

Có ĐB thắc mắc về những vụ việc bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện tư nhân, giải pháp gì để ngăn chặn việc này?

Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, rút giấy phép những bệnh viện, phòng khám tư nhân vi phạm, đồng thời sẽ đề xuất kiểm soát các quảng cáo trên mạng vì người dân chủ yếu xem quảng cáo trên mạng rồi đến phòng khám tư nhân khám.

Trục lợi bảo hiểm y tế khá phổ biến
Giải trình thêm về bảo hiểm xã hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh khẳng định, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế gần đây khá phổ biến, có những bệnh viện đã thực hiện cả cách kéo dài ngày nằm của bệnh nhân. Ví dụ như mổ Phaco, trung bình bệnh nhân chỉ cần nằm viện 2 ngày, nhưng có bệnh viện để bệnh nhân nằm tới 7 ngày.
Bà Minh giải thích, trước đây, bệnh viện huyện sử dụng số giường không đến 100% công suất bây giờ thì không bình thường ở chỗ các tỉnh báo lên có tình trạng sử dụng đến 200 - 300% công suất.
Theo tính toán, năm nay quỹ bảo hiểm y tế đã phải chi khoảng 80.000 tỉ đồng, tăng lên khoảng 7.000 tỉ đồng so với năm trước, bà Minh cho rằng tính toán cho thấy sự tăng này bất bình thường.
Ngay sau đó, một số ĐB tranh luận gay gắt với bà Minh.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tranh luận: “Tôi thấy BHXH VN chỉ nhắc đến việc tình trạng trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Quỹ chúng ta có nguy cơ vỡ quỹ, thì ngay từ đầu chúng ta cũng biết thu ít thu nhiều thì một lúc nào đó sẽ vỡ quỹ. Bộ Y tế với Bảo hiểm XH phải tính toán lại phải tăng cường nguồn bảo hiểm như thế nào cho cân đối. Trước đây, các bác sĩ, dược sĩ bệnh viện chỉ tập trung chuyên môn, bây giờ vừa tập trung chuyên môn vừa phải ngồi nghĩ xem thuốc đó có nằm trong danh mục được BHXH chi trả không?”
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng cho biết hiện nay bác sĩ bức xúc, người bệnh thì thiệt thòi, "cấp trên ngậm ngùi làm theo vì nếu không làm theo thì dọa cắt bảo hiểm y tế". ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng Bộ Y tế phải phối hợp với BHXH để có quy định cụ thể hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc trục lợi và lạm dụng BHYT phải xử lý nghiêm. Hiện Bộ đang phối hợp với BHXH để xem xét phương thức thanh toán BHXH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị BHXH VN phải trả lời bằng văn bản về vấn đề các đại biểu chất vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.