'Bộ tứ kim cương' hoàn thiện chiến lược đối phó Trung Quốc

13/03/2021 08:23 GMT+7

Tối qua 12.3 (theo giờ VN), hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến để bàn về các chương trình hành động cụ thể ứng phó thách thức trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên hội nghị “bộ tứ” diễn ra với cấp lãnh đạo chính quyền cao nhất gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Do vậy hội nghị thượng đỉnh này mang tính lịch sử đối với quá trình phát triển của “bộ tứ kim cương”.

Đã đến lúc “trưởng thành”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết: “Nghị trình của chúng ta hôm nay bàn về nhiều lĩnh vực như vắc xin ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu, các công nghệ đang nổi lên… nhằm giúp cho bộ tứ trở thành một động lực cho thế giới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Ấn Độ

Theo thông báo của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến thăm Ấn Độ từ ngày 19 - 21.3, ngay sau khi kết thúc chuyến công du hai nước đồng minh tại Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Austin sẽ đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cùng các quan chức cấp cao khác về việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, những thách thức an ninh tại khu vực và mối quan tâm chung về Indo-Pacific. Hợp tác về thương mại quốc phòng và tình hình tại Afghanistan cũng sẽ được bàn thảo trong các cuộc họp, theo tờ Hindustan Times.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố rằng việc Bộ trưởng Austin ghé thăm New Delhi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược vững chắc giữa Ấn Độ và Mỹ.    
Bảo Vinh
“Bộ tứ đã đến lúc trưởng thành và sẽ giữ vị trí của một trụ cột quan trọng cho sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”, Thủ tướng Modi phát biểu và nhấn mạnh: “Chúng ta đoàn kết bằng giá trị dân chủ và cam kết chung đối với một Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Theo đó, ông cho rằng nhóm này cần phối hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết để thúc đẩy các giá trị chung và thúc đẩy Indo-Pacific an toàn, ổn định và thịnh vượng.
Tương tự, Thủ tước Úc Morrison nhấn mạnh: “Indo-Pacific giờ đây sẽ định hình vận mệnh của thế giới trong thế kỷ 21. Với tư cách là 4 nhà lãnh đạo của các nền dân chủ lớn ở Indo-Pacific, mối quan hệ của chúng ta sẽ là động lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Cùng quan điểm, Thủ tướng Nhật Suga cho rằng Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ chia sẻ lợi ích chung của một Indo-Pacific tự do. “Bộ tứ chúng ta cần cùng nhau tiến lên mạnh mẽ để hiện thực hóa một Indo-Pacific tự do và rộng mở, đồng thời có những đóng góp rõ ràng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc ứng phó đại dịch Covid-19”, Thủ tướng Nhật Bản phát biểu.
“Bộ tứ kim cương” hoàn thiện chiến lược đối phó Trung Quốc

Thủ tướng Úc Scott Morrison tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cùng 3 lãnh đạo còn lại của “bộ tứ”

Ảnh: @ScottMorrisonMP

Cung cấp 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19?

Chia sẻ các quan điểm trên, Tổng thống Biden khẳng định “bộ tứ” là vũ đài quan trọng cho sự hợp tác ở Indo-Pacific.
“Washington cam kết phối hợp với các đối tác và đồng minh trong khu vực để có được sự ổn định chung. Trong đó, “bộ tứ” đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì được hướng đến các giải pháp thiết thực và kết quả cụ thể”, ông Biden tuyên bố và đề cập cụ thể hơn về giải pháp là nhóm này đang “khởi động một chương trình hợp tác đầy tham vọng để thúc đẩy sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 vì lợi ích toàn cầu, tăng cường tiêm chủng để mang lại lợi ích cho toàn bộ Indo-Pacific”.
Theo thông tin do truyền thông Mỹ dẫn nguồn từ quan chức cấp cao nước này trước hội nghị thượng đỉnh, “bộ tứ” dự định cung cấp 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước khác trong năm 2022. Bên cạnh đó, chủ nhân Nhà Trắng cho rằng Indo-Pacific cần được đảm bảo bằng luật pháp quốc tế, các giá trị phổ quát để không bị tác động bởi những hành vi áp bức.
Kết hợp với các động thái của Mỹ trong thời gian qua, phát biểu này của Tổng thống Biden có thể được hiểu như một thông điệp gửi đến Trung Quốc nhằm chỉ trích các hành vi gây rối, cưỡng ép của Bắc Kinh đối với một số bên trong khu vực.

Hoàn thiện thể chế hợp tác

Cũng trong tối 12.3, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá hội nghị thượng đỉnh lần này của “bộ tứ” chỉ ra rằng nhóm này cần hoàn thiện một thể chế và mở rộng lĩnh vực hợp tác.
Việc hoàn thiện thể chế hợp tác cũng là điều mà hội nghị của “bộ tứ” diễn ra hồi cuối năm 2020, với sự tham gia của ngoại trưởng 4 nước này, cũng đã thảo luận.
“Ban đầu, “bộ tứ” là một hợp tác quân sự nhằm ngăn chặn thái độ hung hăng của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, “bộ tứ” đang tập trung phối hợp cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước, để đối phó với chiến lược “ngoại giao vắc xin” mà Trung Quốc đang theo đuổi”, TS Nagao phân tích.
Thời gian qua, Bắc Kinh được cho là đang sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 như một “vũ khí ngoại giao” để tạo ảnh hưởng với nhiều nước trên thế giới. Cho nên, kế hoạch sản xuất vắc xin lần này của “bộ tứ” có thể hiểu là nhằm “khắc chế” chiến lược của Trung Quốc.
“Bên cạnh đó, nhóm này còn một loạt vấn đề khác cần phối hợp như làm thế nào để đảm bảo nguồn cung ứng đất hiếm - vốn có vị trí quan trọng với nhiều ngành công nghệ cao, nhưng lại đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Hay các nước cần đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất không phụ thuộc vào Trung Quốc”, TS Nagao phân tích và chỉ ra: “Tất cả những vấn đề kinh tế này đều tác động lớn đến quân sự. Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội và quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế. Càng có nhiều nguồn lực kinh tế thì Bắc Kinh càng có nhiều cơ hội tăng cường sức mạnh quân sự. Nên giờ đây, “bộ tứ” đang tìm cách kìm hãm nguồn lực để Trung Quốc phát triển quân sự”.
“Tất nhiên, hợp tác quân sự cũng đang thúc đẩy sự phối hợp của “bộ tứ”. Và hợp tác quân sự cũng cần thể chế hóa chiến lược. Ví dụ như 4 nước này đang cùng phát triển khả năng tấn công tầm xa bằng các loại tên lửa và bom thông minh có thể đạt tầm tấn công đến 2.000 km. Hiện tại, Mỹ đã có các loại vũ khí này và giờ thì Nhật Bản, Úc và Ấn đang phát triển”, TS Nagao nhận định.
Và hội nghị thượng đỉnh lần này của “bộ tứ kim cương” đang hướng đến hoàn thiện thể chế hợp tác của nhóm về nhiều mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.