Bộ Y tế dự kiến lộ trình chuyển một số bệnh viện T.Ư về địa phương

Liên Châu
Liên Châu
05/08/2023 15:01 GMT+7

Theo Kế hoạch 1015/KH-BYT của Bộ Y tế, năm 2024, dự kiến hoàn thiện và triển khai Đề án thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến T.Ư; thực hiện lộ trình chuyển một số bệnh viện T.Ư thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý.

Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 1015/KH-BYT về "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024", trong đó có dự kiến về chuyển giao bệnh viện trực thuộc bộ về địa phương. 

Bộ Y tế dự kiến kế hoạch chuyển một số bệnh viện T.Ư về địa phương - Ảnh 1.

Năm 2024, Bộ Y tế dự kiến hoàn thiện Đề án thực hiện lộ trình chuyển một số bệnh viện T.Ư trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý

ĐÌNH HUY

Tại kế hoạch này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, Quốc hội giao chỉ tiêu trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%; số bác sĩ/10.000 dân đạt 13,5; số giường bệnh/10.000 dân đạt 32,5; số dược sĩ/10.000 dân đạt 3,3; số điều dưỡng/10.000 dân đạt 18; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 90%; tỷ lệ người dân hài lòng dịch vụ y tế đạt 80%; tỷ lệ người lao động có nguy cơ được quản lý và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đạt 40%.

Chiến lược, quy hoạch phát triển, tổ chức bộ máy y tế, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân năm 2024 có nêu: tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện và triển khai Đề án thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến T.Ư và Đề án thực hiện lộ trình chuyển một số bệnh viện T.Ư trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý.

Bệnh viện tuyến T.Ư không muốn về Hà Nội quản lý

Mới đây, ngày 31.7, Bộ Y tế có cuộc họp với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc bộ trên địa bàn Hà Nội, lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật Thủ đô sửa đổi về nội dung chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở T.Ư đóng trên địa bàn thủ đô về TP.Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội cũng như các vụ, cục, đơn vị của Bộ Y tế đã cùng nêu quan điểm giữ lại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội do bộ quản lý.

Bộ Y tế dự kiến kế hoạch chuyển một số bệnh viện T.Ư về địa phương - Ảnh 2.

Các năm qua, Hà Nội chịu trách nhiệm một số công việc của các bệnh viện T.Ư trên địa bàn thủ đô

ĐÌNH HUY

Một trong những lý do được đưa ra là, các bệnh viện T.Ư có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư. Các bệnh viện T.Ư trực thuộc bộ có vai trò đào tạo nhân lực y tế, chỉ đạo tuyến, đào tạo thực hành cho cán bộ y tế, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới từ các nước phát triển.

Hà Nội đã thực hiện một phần công việc của bệnh viện T.Ư

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, tại dự thảo luật Thủ đô, đề xuất các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thủ đô chuyển về TP.Hà Nội quản lý được căn cứ trên nghị quyết của T.Ư về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, không phải quan điểm riêng của cá nhân, tổ chức hay địa phương nào. 

Các năm qua, Hà Nội đã thực hiện một số công việc của các bệnh viện T.Ư đóng trên địa bàn thành phố như: đấu thầu thuốc tập trung; công tác phòng, chống dịch bệnh; giao cấp đất xây dựng một số cơ sở của bệnh viện T.Ư...

Hiện, Hà Nội đã có các bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa như: Tim Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Phụ sản Hà Nội... Các bệnh viện này đảm nhiệm công tác chỉ đạo tuyến, tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân một số tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội.

Những năm qua, bệnh viện đầu ngành của Hà Nội đã có các hợp tác với Pháp, Hàn Quốc, Cuba… trong đào tạo nhân lực, chẩn đoán điều trị, phát triển kỹ thuật mới, thiết lập kế hoạch hợp tác, nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.