Bộ Y tế: Miền Tây Nam bộ chưa tỉnh nào đạt tiêu chí 'kiểm soát dịch'

Liên Châu
Liên Châu
26/08/2021 12:13 GMT+7

Theo Bộ Y tế , 5/12 tỉnh miền Tây Nam bộ có ca F0 tăng so với 7 ngày kế tiếp trước. Chưa tỉnh nào đạt tiêu chí “kiểm soát dịch” và dừng thực hiện Chỉ thị 16.

Xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm

Chiều 25.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có cuộc họp với 12 tỉnh Tây Nam bộ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 86 và các Công điện 1081; 1102 của Chính phủ.
12 tỉnh phía Tây Nam bộ gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Vĩnh Long.
Theo báo các từ các tỉnh, thành, trong 1 tuần qua, 5/12 địa phương ở Tây Nam bộ có số ca F0 tăng so với 1 tuần ngay trước đó.
Trong đó, Tiền Giang có số mắc tăng 2,5 lần (trung bình ghi nhận 400 - 700 ca/ngày); An Giang tăng 1,7 lần; Kiên Giang tăng hơn 2 lần; Cần Thơ và Đồng Tháp ghi nhận 100 - 200 ca/ngày; còn 3 tỉnh Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu dưới 20 ca/ngày.
Chuyên gia trong tổ công tác của Bộ Y tế đánh giá, Kiên Giang đang thực hiện xét nghiệm diện rộng nên số mắc tăng.
Trước đó, tỉnh này thực hiện xét nghiệm mẫu gộp PCR, tần suất 7 ngày/lần khu vực nguy cơ cao, rất cao. Đánh giá tần suất này không đuổi kịp tốc độ lây lan của biến thể Delta, tổ công tác khuyến cáo, với TP.Rạch Giá - nơi có các ca mắc chưa rõ nguồn lây, cần phải làm thêm “vòng đệm” xét nghiệm nhanh kháng nguyên giữa 2 chu kỳ xét nghiệm.
Sau khi thực hiện khuyến cáo, TP.Rạch Giá phát hiện thêm 51 ca dương tính.

Nhiều tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Theo Bộ Y tế, Nghị quyết 86 của Chính phủ ngày 6.8 đặt mục tiêu 11 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8, riêng tỉnh Long An phấn đấu trước ngày 1.9.
Tuy nhiên, theo tiêu chí kiểm soát dịch, đến nay, chưa địa phương nào ở Tây Nam bộ có quyết định dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong đó, Kiên Giang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 26.8 - 1.9.
TP.Cần Thơ đã xét nghiệm diện rộng lần 4 tại vùng nguy cơ cao và rất cao. 3 ngày gần đây, số mắc trong cộng đồng ở TP này giảm còn 30 ca, thay vì 80 - 100 ca mỗi ngày như tuần trước đó. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 25.8 - 8.9 để tập trung sàng lọc F0 ở khu vực nguy cơ, trọng điểm.
Tỉnh Hậu Giang đến ngày 27.8 mới có thêm quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội.
Hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.
Tỉnh Đồng Tháp đang siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 kéo dài đến 5.9; còn Sóc Trăng áp dụng theo từng xã, huyện theo đánh giá vùng nguy cơ…

Nguồn lây trong cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, theo báo cáo kết quả xét nghiệm gần đây, F0 trong cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn (có tỉnh lên tới 90%), chứng tỏ trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn nguồn lây. Đây là “mối nguy lây nhiễm rất lớn”, rất dễ lây lan, bùng phát dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện chặt Công điện 1102, trong đó tập trung thực hiện Chỉ thị 16 thật nghiêm túc và thực chất; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, bóc tách F0 khỏi cộng đồng; các tỉnh lên ngay phương án cách ly F1 tại nhà (hiện mới chỉ có An Giang đã có phương án).
Đồng thời, khẩn trương phê duyệt ngay phương án sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến do quân đội đảm nhiệm khi gia tăng số ca F0.
Tiêu chí kiểm soát dịch tại các tỉnh giãn cách xã hội
Một tỉnh, thành, huyện, xã kiểm soát được dịch khi đã triển khai quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và đạt 2 nhóm chỉ số:
Nhóm về mắc mới Covid-19 trên địa bàn: số ca mắc mới tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và ít nhất giảm 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm: giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao…
(Bộ Y tế)
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.