Vì sao tò mò về người nổi tiếng?
Chia sẻ lý do thích tìm đọc những bài viết về nghệ sĩ, hoặc tham gia các nhóm, trang chuyên nói về đời tư của người nổi tiếng, Hoàng Phương (SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết: "Chẳng thể lý giải được. Nhưng hễ lên mạng, thấy tin tức nào về người nổi tiếng là lập tức vào xem. Tương tự, thấy bạn bè hay bấm like hoặc theo dõi những cộng đồng người nổi tiếng là cũng làm theo. Vô những trang đó đọc bài, xem bình luận để biết nhiều thông tin về diễn viên, ca sĩ...".
Lan Anh (SV Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TP.HCM) thì nói: "Người trẻ, hầu như ai cũng thần tượng một vài ca sĩ, diễn viên, người mẫu..., thế nên những thông tin về họ luôn là tâm điểm chú ý của người trẻ. Mình cũng vậy, muốn tìm đọc những câu chuyện gia đình, cuộc sống, tình yêu, sở thích cá nhân của 'sao'. Mà những thông tin này xuất hiện nhiều nhất là ở các trang Hóng hớt Showbiz, Cô ba nhiều chuyện... Rồi khi đọc về ca sĩ mình yêu thích, vô tình thấy những câu chuyện về diễn viên khác, cứ thế trở thành thói quen".
Không ít bạn trẻ thừa nhận bị mê hoặc bởi những thông tin về người nổi tiếng. Đặc biệt, những thông tin "bóc phốt" sao Việt luôn thu hút họ. "Có đêm mình đọc từ 8 giờ tối đến tận 4 giờ sáng hôm sau. Vì đọc hết thông tin này tới thông tin khác, hết chuyện ca sĩ nọ tới diễn viên kia. Không chỉ đọc thông tin trên các status (trạng thái) mà còn kiếm đọc các bình luận...".
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), những người nổi tiếng, nghệ sĩ là người của công chúng, là đối tượng để nhiều người quan tâm. Người nổi tiếng thường được nhiều người mến mộ, và khi mến mộ ai đó thì con người muốn biết càng nhiều thông tin về người đó càng tốt. Hoặc cũng có người không mến mộ thì lại tò mò muốn biết cuộc sống của những người nổi tiếng thì sẽ như thế nào, có gì khác với cuộc sống của mình hay không?...
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội... thì văn hóa, nhất là những thông tin về những người nổi tiếng, nghệ sĩ là những vấn đề để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đưa ra bàn luận trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện. Chính vì vậy, việc biết nhiều thông tin về người nổi tiếng sẽ giúp mình dễ nói chuyện, hòa nhập với bạn bè, người khác, thậm chí còn cho thấy khả năng nhạy bén thông tin và giá trị của mình trước mặt bạn bè... "Đó là lý do khiến cuộc sống của người nổi tiếng thường thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ", ông Duy nói.
Tuy nhiên, theo ông Duy, mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở việc đọc và tìm hiểu thông tin, chứ không nên đưa ra những bình luận phản cảm, thậm chí thóa mạ, xúc phạm người nổi tiếng trên các nhóm, trang chuyên đăng bài, hình ảnh về người nổi tiếng.
tin liên quan
Xuất hiện nhiều fan page 'bóc phốt' người nổi tiếng...Có thể cấu thành tội hình sự
Ngày 17.1, ca sĩ Nhật Kim Anh chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện vừa xử lý vụ một thành viên trên trang Cô ba nhiều chuyện, sử dụng tài khoản ảo để chửi rủa, lăng mạ, hạ nhục cô.
Theo đó, thành viên có tên Huyền Trâm đã chửi cả dòng họ Nhật Kim Anh, cho rằng Nhật Kim Anh "đập đá", chơi thuốc lắc và ngủ với tất cả đàn ông trong showbiz Việt. Chưa kể, Huyền Anh còn cho rằng chồng của nữ ca sĩ này là... gay. Những bình luận ấy đều được chuyển tải bằng ngôn từ tục tĩu.
Nhật Kim Anh cho biết: "Sau khi nhận tin báo từ người hâm mộ, tôi đã báo công an, tìm được địa chỉ nhà và số điện thoại của tài khoản xúc phạm mình. Tôi đã đến tận nhà để tìm hiểu thực hư. Những câu chuyện mà tài khoản ấy từng đăng tải để bôi nhọ cũng được xóa đi".
Qua sự việc này, Nhật Kim Anh khuyên: "Mọi người hãy sử dụng Facebook một cách lành mạnh. Mỗi người có một cuộc sống riêng, đừng đem chuyện của người khác rồi 'thêm mắm thêm muối' để câu like, kẻo rước họa vào thân lúc nào không biết. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai rảnh rang tạo nick ảo nhằm sỉ nhục, lăng mạ người khác. Dù sử dụng nick ảo nhưng vẫn bị truy tìm ra", Nhật Kim Anh nói thêm.
Nữ ca sĩ H. cho biết: "Điều tôi mong mỏi nhất là những trang, nhóm ấy... 'sập', để những nghệ sĩ chúng tôi không phải trở thành tâm điểm soi mói của mọi người. Nhiều người bịa chuyện tào lao, đem những điều không tốt áp vào chúng tôi, và cho rằng những người nghệ sĩ đều không tốt. Hãy để những người nổi tiếng được yên thân, chú tâm tạo ra những sản phẩm nghệ thuật dành tặng khán giả".
Vào năm 2015, một tài khoản Facebook có tên "Thánh cô cô bóc" được tạo ra với tuyên bố sẽ bóc trần và lật tẩy những bí mật showbiz đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Trên trang này có rất nhiều bài viết "bóc phốt" người nổi tiếng. Không lâu sau đó, chủ nhân của "Thánh cô cô bóc" đã bị cơ quan điều tra bắt giữ vì hành vi của mình.
Theo luật gia Nguyễn Tấn Thi (TP.HCM), việc lập các fan page, các nhóm Facebook để “tám chuyện” về giới showbiz Việt Nam thời gian vừa qua dần trở nên phổ biến.
"Thông thường các thông tin được đưa ra đều không có cơ sở, và không phải thông tin chính thống. Rất nhiều người cho rằng việc lập các nhóm facebook để bàn tán, bình luận về các nghệ sĩ chỉ là hành vi vô thưởng vô phạt nhưng không lường trước được hậu quả của nó", luật gia Thi nói.
Cũng theo ông Thi, hành vi ấy có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự công cộng, thậm chí có thể cấu thành tội hình sự như “Tội làm nhục người khác” hoặc “Tội vu khống”. Đặc biệt, đối với cả hai tội danh này thì việc sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử để phạm tội đều là những yếu tố tăng nặng của tội phạm.
Xử phạt hành chính:
Theo điểm 1 khỏan 1 Điều 5 NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.
Xử phạt hình sự:
Việc dùng lời lẽ xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác: Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi - bổ sung năm 2017, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì phạm vào “Tội làm nhục người khác”. Đặc biệt nếu người phạm tội sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm tù. “Tội làm nhục người khác” có mức hình phạt nhẹ nhất trong khung hình phạt là phạt tiền là 10.000.000 đồng, mức xử phạt nặng nhất khung hình phạt là 05 năm tù, tùy thuộc vào tính chất của hành vi phạm tội và các yếu tố liên quan khác (tham khảo Điều 155 Bộ luật hình sự).
Đối với việc bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác: Theo điều 156 Bộ luật hình sự thì hành vi “Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” thì phạm vào “Tội vu khống”. Tội phạm này có mức hình phạt thấp nhất là 10.000.000 đồng, cao nhất là 07 năm tù. Hành vi sử dụng mạng vi tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là một trong các hành vi tăng nặng của tội phạm này và mức hình phạt tương ứng là từ 01 đến 03 năm tù.
Luật gia Nguyễn Tấn Thi (TP.HCM)
|
Bình luận (0)