Ngày 25.6, các thí sinh cả nước trải qua hai môn thi quan trọng đầu tiên: Ngữ văn và Toán. Ở địa điểm thi nào, tôi và những đồng nghiệp đều bắt gặp những hình ảnh thân quen, cha mẹ đội nắng, đội mưa chờ con làm bài thi. Một đồng nghiệp ở Hà Nội còn gửi cho chúng tôi một hình ảnh xúc động: hết giờ thi nhưng cổng trường chưa mở, chưa thấy con gái bước ra, người mẹ ôm mặt khóc nức nở vì quá lo lắng, không biết con làm bài có tốt không.
Tôi đến điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Bình, đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM từ trước 6 giờ sáng nhưng đã có khá đông phụ huynh đưa con đến. Một người đàn ông khiến tôi phải chú ý khi chú đi một chiếc xe máy cũ kỹ, các bộ phận được tháo ra lắp lại lung tung. Nhìn đôi dép và những ngón chân dính sơn của chú, tôi đoán chú là thợ hồ. Tất tả đưa con xuống cổng trường, người đàn ông chỉ nắm tay con trai thật chặt, mấy giây, cả hai không nói gì, rồi chú nổ máy xe, chạy tiếp.
9 giờ 15 phút sáng, khi còn 15 phút nữa là hết giờ thi môn đầu tiên, tôi lại thấy người đàn ông ấy chạy lại bàn của những thanh niên tình nguyện. Ông hỏi giờ thí sinh ra, rồi xin một chai nước, chạy về chỗ để xe, mắt nhìn âu lo về phía trong cổng trường. Bên hông chiếc xe máy cũ, vẫn tòng teng túi đồ nghề bám đầy nhựa sơn. Hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi suốt cả một buổi sáng.
Trống trường điểm, học sinh ùa ra, bên cạnh nụ cười hoan hỉ của nhiều thí sinh làm bài tốt vẫn là cái nhìn đăm chiêu phiền muộn của nhiều người. Tôi nghe thấy tiếng gọi con mừng rỡ của những bà mẹ mặc đồ chống nắng kín mít người, trên xe máy treo lủng lẳng cá mắm, rau dưa chuẩn bị cho con bữa cơm trưa.
|
Dù đã trải qua những kỳ thi lớn của đời học sinh gần 10 năm, nhưng những ngày làm việc như thế này khiến bao cảm xúc trong tôi sống dậy. Tôi nhớ mẹ mình cũng đã từng dậy từ 4 giờ sáng để nắm cho tôi những nắm cơm tròn, thơm trong lá chuối, để con ăn trong những hôm thi cả ngày không về buổi trưa. Tôi nhớ mẹ cũng đã từng cùng tôi dắt chiếc xe đạp cọc cạch qua con dốc chênh vênh ngày tôi thi học sinh giỏi quốc gia và lời nhắn “con cố gắng làm tốt, thi luôn cả phần của mẹ”. Mẹ từng học rất giỏi nhưng phải nghỉ học từ năm lớp 6, đi làm công nhân vì nhà bà ngoại đông con, nghèo túng…
Cha mẹ nào cũng bồi hồi, âu lo trong suốt những chặng đường đời của con, dù hôm nay con có làm bài ra sao, thi đậu vào ngôi trường nào, sau này rạng rỡ công danh hay trở thành một người lao động bình thường, con cũng luôn có điểm tựa bình yên, đó là cha mẹ.
Trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, tôi và những đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên cùng thực hiện loạt bài Nghị lực mùa thi, viết về những cô bé cậu bé học lực xuất sắc, khao khát trở thành bác sĩ, kỹ sư dù hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ hoặc có em mồ côi cả cha và mẹ. Đêm hôm qua, tôi định nhắn tin cho các em, động viên thi tốt nhưng lại sợ các em thêm áp lực, đành thôi. Các em sẽ thành công, tri giác mách bảo tôi như vậy, sau khi được nói chuyện và nhìn vào những đôi mắt thông minh đầy hoài bão tuổi 18.
Tôi rất thích câu: “Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có vô vàn cánh cửa được mở ra”. Mỗi kỳ thi sẽ là một chặng đường để các em trưởng thành và lớn lên. Điều quan trọng nhất trong kỳ thi này, là các em dám quyết tâm, nỗ lực và đi đến tận cùng của những giấc mơ tuổi trẻ.
Bình luận (0)