Theo nghiên cứu gần đây của EY, đã có 27% tổ chức tại châu Á - Thái Bình Dương đang bày tỏ sự quan tâm đáng kể đến 5G cũng như IoT kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Bài chia sẻ bên dưới được thực hiện bởi ông Santhosh Viswanathan, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Intel khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khối Kinh doanh, Tiếp thị & Truyền thông.
Bản khảo sát cũng chỉ ra rằng các khoản đầu tư vào 5G ở Châu Á Thái Bình Dương đang vượt Châu Mỹ và Châu Âu, với 78% các tổ chức trong khu vực hiện đang đầu tư (hoặc có kế hoạch) trong vòng hai đến ba năm tới, so với chỉ 71% đối với các tổ chức tại Châu Mỹ và Châu Âu.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 nội dung chính, bao gồm Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, dự kiến nền kinh tế số sẽ có thể đóng góp 20% vào GDP năm 2025. Công nghệ 5G chính là chìa khóa cho mục tiêu chuyển đổi số sâu và rộng mà Việt Nam đang cần đến, nhất là trong giai đoạn hồi phục kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch.
Sự xuất hiện của mạng 5G sẽ mang nhiều lợi ích đến nhiều ngành nghề khác nhau, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các công nghệ mới khác như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT và machine learning. Với băng thông cải thiện và độ trễ thấp, 5G có tiềm năng cách mạng hóa các doanh nghiệp, cũng như tái định nghĩa hoàn toàn cách chúng ta sống. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm xung quanh 5G, ảnh hưởng đến nhận thức của tất cả mọi người về tiềm năng thực sự của nó. Hãy cùng phân tích những hiểu lầm này và tìm hiểu thông tin xác thực.
· Hiểu lầm số 1: Mạng 5G chỉ dành cho điện thoại
· Thực tế: 5G có thể hỗ trợ một loạt các thiết bị và công nghệ
Mạng 5G là công nghệ không chỉ hoạt động trên điện thoại mà còn kích hoạt các mô hình kinh doanh mới trong doanh nghiệp. 5G hay còn gọi là Mạng di động Thế hệ thứ 5, đại diện cho một cột mốc quan trọng trong đó tiêu chuẩn về mạng di động được tạo ra mang nhiều ý nghĩa vượt xa giới hạn trong chiếc điện thoại. Mạng 5G là “siêu năng lực” kết nối các thiết bị với mạng lưới thông minh. Công nghệ này được tạo ra để hỗ trợ kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo phân tán (distributed intelligence), nơi hội tụ các "siêu năng lực" như AI, khả năng kết nối lan tỏa (pervasive connectivity), cơ sở hạ tầng đám mây-đến-điện toán biên, và tính toán thông dụng ngày càng phổ biến, kết hợp với nhau để tạo ra sự cải tiến đáng kinh ngạc.
Với 5G, sức mạnh xử lý không chỉ dựa vào thiết bị, thay vào đó, năng lực điện toán và các thiết bị truyền tin sẽ kết hợp trong hình thức kết nối di động mới này. 5G, nhờ vào Điện toán biên và Công nghệ Lưu trữ Đám mây giúp công nghệ giải phóng tiềm năng ngay cả trên những thiết bị đơn giản nhất, tạo ra hiệu suất xử lý thông tin vô hạn. Hơn nữa, công nghệ này rất linh hoạt bởi quá trình xử lý có thể diễn ra cả trên thiết bị và cả mạng di động. Với những ưu điểm nổi trội, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp. Công suất mạng di động tốc độ cao, tính linh hoạt đáng kinh ngạc và độ trễ thấp từ 5G sẽ tạo ra các mô hình sử dụng mới, từ các nhà máy và thành phố thông minh hỗ trợ 5G đến các thiết bị y tế thông minh và được kết nối liên tục.
Trên thực tế, mạng 5G cũng sẽ kết nối với máy tính xách tay chứ không chỉ giới hạn ở điện thoại. Thị trường PC đã cung cấp các dòng máy tính xách tay được trang bị mô-đun 5G. Bằng cách kết hợp mạng không dây tốc độ cao với dữ liệu đám mây, điện toán biên và AI, ngay cả những thiết bị nhỏ nhất cũng có khả năng thực hiện các tác vụ tính toán phức tạp, có thể hưởng lợi từ khả năng kết nối đáng tin cậy cho các dịch vụ quan trọng, đồng thời có thể truy cập thông tin và dịch vụ khác với trong thời gian thực và với độ trễ gần như bằng không.
· Hiểu lầm số 2: Việc triển khai 5G không khác với việc triển khai các mạng di động thế hệ trước.
· Thực tế: Mạng 5G rất khác các thế hệ trước và cần đến sự chuyển đổi mạng mở rộng
Với sự bùng nổ của dữ liệu, hệ thống mạng hiện tại cần chuyển mình để khai thác toàn bộ tiềm năng của mạng 5G. Sự gia tăng của số lượng video phát trực tiếp và hàng nghìn thiết bị được kết nối trực tuyến mỗi ngày đồng nghĩa với việc chúng ta cần tới khả năng lưu trữ lớn hơn. Điều này tương tự như nỗ lực đẩy khối lượng nước lớn qua một đường ống nhỏ.
Không giống như những tiêu chuẩn mạng không dây trước kia, mạng 5G được thiết kế để kết nối con người và doanh nghiệp theo cách hoàn toàn mới. Mạng 4G có các hạn chế về cấu trúc, giới hạn khả năng cải tiến bao gồm độ rộng băng thông tối đa 20 MHz, ngăn cản mạng 4G đạt được tiềm năng đạt độ trễ thấp nhất cũng như sở hữu băng thông lớn nhất. Để vượt qua những rào cản này đòi hỏi phải có các công nghệ mới như 5G.
· Hiểu lầm số 3: Mạng 5G sẽ không bao giờ thực sự đạt được kỳ vọng
· Thực tế: Khi các mạng di động tiếp tục được cải tiến, mạng 5G sẽ tiếp tục chặng đường phát triển để đạt hiệu năng tối đa trong vòng vài năm tới
Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của công cuộc triển khai mạng 5G nhưng hiện đã có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu dành sự quan tâm cho lĩnh vực này trên toàn cầu. Từ nay cho tới 2025, các nhà khai thác mạng lớn trên thế giới dự kiến sẽ cần nguồn đầu tư gần 880 tỷ USD vào mạng 5G. Trong khi đó, các nhà mạng tại Việt Nam dự kiến cần khoản đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD đến năm 2025 nhằm phục vụ phát triển mạng 5G trong nước. Tuy vậy, con đường chinh phục và khai phá toàn bộ sức mạnh của hệ thống mạng 5G sẽ không thể diễn ra tức thì. Mỗi thế hệ di động đều cần được triển khai qua nhiều đợt thử nghiệm, cải tiến mạng và kích hoạt các tính năng mới qua nhiều năm. Thực tế cho thấy phải mất khoảng 10 năm để phát huy hết tiềm năng của mạng 4G. Mạng 5G hiện đang trong giai đoạn đầu triển khai, và các nhà cung cấp dịch vụ vẫn đang tiếp tục triển khai để đưa mạng 5G đến tay người dùng. Tuy quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian, nhưng người dùng đã có thể nhận ra nhiều tính năng mới luân phiên xuất hiện với tốc độ ngày càng tăng.
· Hiểu lầm số 4: Sự xuất hiện của mạng 5G đồng nghĩa với sự gia tăng rủi ro bảo mật
· Thực tế: Ngành công nghiệp đã ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn bằng cách liên tục cải thiện các cơ chế vận hành và kiểm soát rủi ro để gia tăng khả năng bảo mật hơn cho sự gia tăng cao của dữ liệu và thông tin liên lạc
Toàn bộ ngành công nghiệp đã sớm nhận ra những nguy cơ về bảo mật và đã phát triển cũng như tích hợp các giải pháp để giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn này. Bất kỳ sự thay đổi mô hình nào cũng tồn tại những trở ngại cần được nhìn nhận và giải quyết. Ngày nay, dữ liệu được bảo vệ bằng mật mã trên các lớp phần mềm, mạng và ngăn xếp lưu trữ,dẫn đến khả năng thực hiện nhiều hoạt động mật mã trên mỗi byte dữ liệu. Các hoạt động mã hóa này yêu cầu những phép tính toán phức tạp nhằmđảm bảo các hoạt động kinh doanh quan trọng nơi bảo mật là yếu tốtiên quyết. Ví dụ, trong việc tạo ra tiêu chuẩn 5G NR, ngành công nghiệp đã “hợp thức hóa” chức năng bảo mật mới cho 5G, bắt đầu ở cấp tiêu chuẩn.
So với hầu hết các ngành khác, nhu cầu đặc trưng của các ứng dụng 5G đang quyết định cách thức triển khai kiến trúc bảo mật của hệ thống mạng. Trên thực tế, Intel đang ở vị trí dẫn đầu ngành trong việc cắt giảm chi phí tính toán của thuật toán mã hóa thông qua các sáng kiến mới, cải tiến vi kiến trúc và các kỹ thuật tối ưu hóa phần mềm tiên tiến.
Để 5G phát huy tối đa tiềm năng, điều quan trọng là công đồng cần nhận thức đúng và chấp nhận sự chuyển đổi tích cực mà công nghệ này sẽ tác động đến cách chúng ta sinh sống, làm việc và giải trí.
Bên cạnh việc chia sẻ những hiểu lầm về 5G, ông Santhosh cũng đã từng góp ý rằng Việt Nam cần ứng dụng 4C để bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường game. Cụ thể, Sự cuốn hút (Captivation), Tính cộng tác (Co-operation), Tính cạnh tranh (Competition), và Tính cộng đồng (Community) phải được đặt lên hàng đầu. Và với việc hiểu đúng về 5G, các nhà phát triển game có thể tận dụng sức mạnh của nền tảng này để có được sản phẩm tốt nhất, dựa trên nền AI, tốc độ kết nối, cùng khả năng phổ biến rộng rãi, bảo mật cao.
Bình luận (0)