Bóng cả đời tôi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn

18/08/2024 09:00 GMT+7

Mẹ kể hồi đó "anh Dại" tôi học lớp năm, bị bệnh, sốt. Mẹ ẵm xuống trạm, sau khi cô y tá tiêm một mũi thuốc thì anh tôi co giật mạnh, trợn ngược mắt rồi đi luôn.

Mất con, mẹ tru tréo khóc la, hồi đó ba còn làm ở ủy ban, mẹ kiên quyết đòi khởi kiện vụ vô trách nhiệm tiêm nhầm thuốc nhưng ba nói thôi, kiện người ta đi tù thì con mình cũng chẳng sống lại được, chuyện ngoài ý muốn là chuyện của số phận. Ba tôi, làm một điều gì ông cũng đặt mình vào người khác, từ chuyện trong nhà đến ngoài xã hội, giữa "tôi và chúng ta", ba sẽ hạ cái "tôi" của mình xuống đến hết mức có thể. Nhưng hình như không mấy người hiểu được điều đó. Và ba cũng không giải thích.

Bóng cả đời tôi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

1.Hồi tôi còn nhỏ xíu, buổi đi học buổi chăn bò. Lần nào cũng như lần nào, nếu gặp ông nội Chín (nội trong họ hàng), ông cũng sẽ nói:

"Con ông Hai mà bày đặt đi chăn bò, qua mặt được ai, về biểu ba mày bung ra chứ cất chi trỏng!". Nói thiệt luôn, hồi nhỏ tôi ngu si đầu bò, nghe nội Chín chọc rất cạnh khóe vậy nhưng cũng chỉ cười cười chứ biết nói gì đâu, tôi là "con rận trong chăn" sao hổng biết, nhà tôi nghèo thiếu nước mửa máu còn gì - vụ xách mé bây giờ tôi mới nghĩ ra. Còn nếu gặp ông Bốn Từ xóm trước, đằng nào ổng cũng nhìn cái bộ đen nhẻm đèn nhem của tôi mà than thở giùm:

"Hồi đó nếu ba mày chịu đi Mỹ, giờ tụi mày đã sướng rơn rồi, có đâu cứ sau đuôi bò mà đi!".

Tôi về thuật lại, mẹ bảo sau giải phóng ba cũng đi, nhưng vô tới Vũng Tàu, tối ngủ không được, ba về. Ba nói rất bình thản như kể một điều rất tự nhiên: nghĩ đến chuyện bỏ vợ, mồ mả ông bà bên này rồi ra đại dương biết sống chết ra sao...

Trở về quê, mẹ nói ba đi "học tập" mấy năm, một mình mẹ cáng đáng bầy con, làm bán sống bán chết cũng chỉ được ăn cơm độn với muối hầm và rau cỏ. Nhưng sau đó ba về làm cán bộ hợp tác xã, sao nhà mình vẫn nghèo? Tôi hỏi, mẹ nói cán bộ ủy ban xã lương bèo bọt, gặp tính ba "sạch sẽ" tuyệt đối, công việc cũng dính líu tiền nong, như người có cơ hội cầm chai dầu đầy nhưng đời nào ổng để dính tay một giọt. Mẹ kêu cái thời bao cấp, nhà nông với một bầy con nheo nhóc, đói rạc họng mà mẹ lén hốt trộm có một nắm lúa ngoài sân kho bỏ vào thúng, lấy nắm rơm phủ lên ngụy trang, vậy mà đem về nhà bị lộ dưới đôi mắt "cú vọ" của ông chồng đội trưởng chấm công ghi điểm cho hợp tác xã. Mẹ nhăn mặt nói đêm đó khỏi ngủ với ổng luôn, ba cằn nhằn rằn rực cả đêm cái chuyện mẹ không trung thực, tư lợi. Rồi sau này, ba làm kế toán cho hợp tác xã, nhiều lần kêu thầu thi công các công trình thủy lợi, cầu đường… của xã, người ta nghĩ chắc ba cũng nhét khẳm túi nên đinh ninh nghĩ sau khi nghỉ làm ba chỉ "khổ nhục kế" để qua mắt thôi. Trời ơi, cả xóm luôn, chẳng ai tin, nhà tôi không chỉ nghèo đằng vỏ mà trong ruột còn nghèo hơn. Mẹ nói, hồi đó đất đai bạt ngàn, người ta lấy một miếng đất dễ như lấy viên kẹo cho vào túi, mẹ nhiều lần rỉ tai, coi kiếm miếng đất mai mốt làm của hồi môn cho bầy con gái, ba nổi đóa liền. Ba làm vậy, tự nhiên như tính cách từ tiền kiếp.

À, tôi nhớ ra rồi, trong giường ngủ của ba có một chiếc rương cũ, cũ lắm, ba dựng nó ở cuối giường. Mỗi lần mẹ thấy con gái vào giường ba nằm thường dặn coi chừng làm đổ cái rương của ba. Ngó bộ mẹ quý chiếc rương đó lắm. Xin lỗi ba mẹ, hôm đó nhà không có ai, tôi quyết định mở cái rương ra...

Một ngăn đựng giấy khai sinh của các con, một giấy chứng nhận học xong lớp đệ nhứt (lớp 5 bây giờ) của ba; một, hai tấm hình trắng đen chụp hồi ba mẹ còn trẻ. Và một tờ giấy ghi đã hoàn thành tốt thời hạn cải tạo. Hiểu rồi, đây là "học tập" mà mẹ nói. Chỉ có vậy mà ba cất kỹ dữ, tôi lục ngăn trong cùng thì thấy một tấm ảnh chụp rất nhiều người, có nam có nữ trạc tuổi ba - giống như tấm ảnh họp lớp bây giờ. Phải mấy năm sau này, tôi lén hỏi mẹ về tấm ảnh ba chụp cùng những người bạn sang chảnh đó thì mẹ giải thích: đó là những người ngày xưa cùng làm việc với ba, định cư ở Mỹ, năm đó họ về nước tổ chức gặp mặt bạn bè cũ. Năm đó ba cũng đi dự. Ba bảo quá khứ phải khép lại tương lai mới mở ra. Sau này, họ còn gửi thư để kết nối liên lạc nhưng ba không hồi âm.

Khi tôi lên cấp 3, ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo, ba nói sao mấy đứa con gái, đứa nào cũng thích làm cô. Hồi chị Hai thi đậu Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thì không được ký giấy cho nhập học, đến tôi và em gái mọi sự đã khác. Hai chị em được học đến nơi đến chốn. Nhưng khi lấy chồng, cả hai thằng rể của ba đều làm ở ủy ban xã, cả hai đều rên rỉ chuyện ba có lý lịch "tì vết". Tôi rất đau khổ và thất vọng. Ba tôi đường đường chính chính, chàng trai nào có ý tiến xa với con gái, ba đều kêu lại nói rõ quá khứ, kẻo sau này hối hận. Không nhìn thấy nhưng có đêm tôi nghe mẹ nói: "Già rồi, nước mắt đâu nữa mà khóc, kệ tụi nó đi, mình cũng sắp hết kiếp rồi". Tôi nằm nghe tiếng nước mắt lăn trên đôi má chằng chịt vết nhăn của ba mà đứt ruột. Có lần chồng lại than phiền chuyện đó, tôi nổi điên hét: "Ba tôi là người có đạo đức, ông chưa làm điều xấu điều ác bao giờ, còn những chuyện thuộc về quá khứ, nếu không đặt được mình vào vị trí của người khác, nếu không tường tận ngọn nguồn ngóc ngách thì làm ơn hãy để quá khứ ngủ yên đi".

Nhưng cuối cùng chồng cũng tìm cách rời xa tôi để thoát ly cái lý lịch "tì vết" của bố vợ, dù là qua một câu chuyện khác.

2. Tôi đủ tự tin để thách thức lớp bụi khổng lồ của thời gian, bất chấp những tổn thương nặng nề của trí nhớ đứt quãng vì bị chấn thương sọ não để cam đoan rằng tôi không bao giờ quên hình ảnh ngày nhỏ đưa cơm cho ba đi cày. Cày ruộng mồ hôi ròng ròng nhưng gô cơm của ba cũng chỉ có cái trứng vịt hay con cá nục kho. Thấy con gái nhìn ba ăn một cách thèm thuồng, ba xớt ra cái nắp, nói ăn cơm ngoài đồng ngon lắm. Mà ngon thật, món ở nhà phải đợi mẹ hét mới hết chén nhưng ra đồng thoáng cái đã hết veo như được ăn sơn hào hải vị. Giờ nhớ lại mà mủi lòng muốn khóc. Tiêu chuẩn bữa cơm đi cày có ba chén mà con gái đã xén mất gần một chén. Mà cày ruộng đâu phải làm một lát, cơm trưa đã dọn, con gái nhìn hoài ra ngõ, chờ tiếng chân ba, cũng phải quá mười một rưỡi ba mới về nhà. Đầu giờ chiều, mẹ lấy trái dưa gang để ba ăn rồi ra đồng tiếp nhưng ba chỉ đổ ruột dưa ra tô và cho chút đường vào húp, ba nói phần còn lại cho hai đứa. Hồi đó tôi ngây thơ nghĩ ruột dưa gang chắc có cái ngon của nó mà chỉ người lớn mới thưởng thức được. Hôm làm dưa gang cho con trai ăn, nếm thử cái ruột, tôi vội nhả ra vì nó chỉ chua chua hôi hôi, lại nhớ lại cảnh chị em vui vẻ chia nhau ly dưa gang mát lạnh còn ba thì húp vội phần ruột rồi chụp nón ra đồng…

Sau này tôi ra trường, xin làm cô giáo vùng cao, mẹ không gật đầu nhưng ba đồng ý. Ngày tiễn con gái về nhà chồng, lúc chuẩn bị ra về, ba lại cầm chặt tay, dặn con gái nhất định phải hạnh phúc. Tôi đứng nhìn theo ba, nước mắt rơi lã chã, bỗng thấy mình bơ vơ giữa rạp cưới vui nhộn… Con gái lấy chồng xứ người, nhà tranh vách đất, ba đón xe đò, dắt lên tận nhà mẹ con con bò cái để con gái kiếm thêm thu nhập. Ba không phải thợ hồ nhưng ngày vợ chồng tôi làm nhà, ba cũng lên rinh gạch, cầm bay từ hồi mở móng đến ngày về nhà mới.

Tôi có cơ ngơi riêng, chính thức ra khỏi vòm trời của ba thì cũng chính thức nếm mùi vô thường của cuộc sống - khi liên tục nhận những tai ương bẽ bàng. Nai lưng vun vén cho tổ ấm nhỏ, một lòng thờ phụng giang sơn nhà chồng nhưng sau khi bị tai nạn nặng đến mức chín phần chết một phần sống (do chính đức ông chồng uống rượu cầm lái) thì chồng quay ra chì chiết rồi trăng hoa. Giọt nước tràn ly, tôi nổi điên nách con về ngoại. Ba tôi thương con nhưng không bao giờ bênh con mù quáng. Ba nói, con gái đã lấy chồng rồi, đâu đơn giản cứ thích thì một mình ẵm con về. Mẹ bênh con, nói ngang: Nó bị chồng đánh đó. Nhưng ba vẫn kiên quyết phải nghe đầu đuôi từ hai phía, ba bảo tôi về. Tôi nước mắt lưng tròng trở về, đó là lần đầu tiên trong tôi nảy nở ý nghĩ hờn ba, chỉ hờn thôi đã thấy tình cha con bị vẩn đục chứ tôi không bao giờ giận ba được.

Hôn nhân cầm cự được hai năm nữa, khi chồng tôi gửi tờ đơn trên tòa, ba lại lặn lội vượt gần trăm cây số tìm con rể mong hòa giải. Nhưng chỉ có ba ngồi đợi suốt buổi rồi về chứ anh lấy lý do công việc, cố ý vắng nhà cả ngày. Tôi buồn không kể xiết khi nhìn "người hùng" của đời tôi ra về với đôi mắt thăm thẳm buồn. Khi vợ chồng trẻ mọi thứ chia đôi, tờ giấy ly hôn đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tình tưởng sẽ luôn tươi đẹp, cả nhà tôi đều tỏ ra tức giận người chồng bạc tình bạc nghĩa - trừ ba. Ba nói: "Chắc hai đứa hết duyên, chứ thằng K nó chưa làm điều gì hỗn hào bất phải với nhà mình". Hình như, nếu phải nghĩ xấu cho người nào đó thì ba không thể làm được. Xót, thương con mình nhưng cũng không nỡ nặng lời với con người ta. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ba sử dụng "quyền làm chồng": ba không cho mẹ nói xấu con rể. Rồi ba bảo con gái: "Mẹ con đừng lay lắt xứ người nữa, coi thu xếp về nhà, có ba có mẹ"…

Về ở với ba mẹ, sau tai nạn nặng nề, tôi đi dạy với mặc cảm mang hàm răng giả tháo lắp thô kệch, bị hỏng một con mắt và những vết sẹo vẫn còn dấu tích trên mặt. Nhiều lần bị trêu chọc dù chỉ vô tình nhưng tôi nhạy cảm khóc lóc thê thảm. Tôi quyết định phải vào nha khoa, vào viện mắt, phải trồng răng thẩm mỹ, phải mổ chỉnh lác con mắt hỏng để còn chút tự tin mà bấu víu với đời. Nhưng ước vậy thôi chứ sau mùa giông bão, tài khoản có bao giờ không rút âm qua tiền thấu chi đâu mà đòi nọ kia.

Hôm đó, mẹ đưa tôi mấy chỉ vàng sáng bóng, nói: "Ba kêu thu xếp đi viện đi, đừng để chuyện nhỏ ảnh hưởng đến tâm trí. Hãy dành trí lực cho những điều ý nghĩa". Tôi kinh ngạc hỏi mẹ đào đâu ra vàng, mẹ bảo để dành lâu nay chuẩn bị đi khám mắt cho ba, hai con mắt ổng ban đầu còn thấy mờ mờ nhưng nay gần như chỉ còn thấy ánh sáng. Ôi trời, con gái cứ lo chắt chiu nỗi đau của mình mà không để ý đến ánh sáng đời ba. Tôi không chịu thì mẹ bảo ổng kêu không đi viện nữa, tiền này quyết định cho con gái mượn, ổng nói mình sắp nằm dưới mấy lớp đất rồi, tối sáng không quan trọng nữa. Ôi, dù đã đổi ý, dù sẽ quyết tâm ngẩng đầu sống tiếp với những tồi tàn trên cơ thể để xứng đáng làm con gái ba nhưng hai mắt tôi ngập đầy nước…

Bóng cả đời tôi - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.