Bóng đá nữ châu Á là thế lực, hướng về ngôi vô địch World Cup

18/07/2023 07:18 GMT+7

Khác với World Cup bóng đá nam, ở World Cup bóng đá nữ, châu Á là thế lực thực thụ. Ở giải năm nay, bóng đá nữ châu Á hoàn toàn có thể nghĩ về ngôi vô địch.

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa thống kê những con số ấn tượng liên quan đến lục địa này qua các kỳ World Cup. Theo đó, châu Á từng có ngôi vô địch (Nhật Bản năm 2011), từng 2 lần á quân (Nhật Bản năm 2015, Trung Quốc năm 1999), từng có cầu thủ giành Quả bóng vàng (Sun Wen của Trung Quốc năm 1999 và Homare Sawa của Nhật Bản năm 2011).

Ngoài ra, bóng đá nữ châu Á cũng từng có danh hiệu vua phá lưới World Cup, thuộc về Homare Sawa (Nhật Bản) năm 2011 và Sun Wen (Trung Quốc) năm 1999. Có nghĩa là những danh hiệu cao quý nhất tại World Cup, bóng đá nữ châu Á đều đã từng sở hữu.

Vì sao các đội tuyển nữ Nam Mỹ không được đánh giá cao ở World Cup?

Bóng đá nữ châu Á là thế lực, hướng về ngôi vô địch World Cup - Ảnh 1.

Nhật Bản là thế lực ở World Cup nữ

AFP

Năm nay, châu Á vẫn là thế lực tại World Cup 2023. Nhật Bản và Trung Quốc vẫn được đánh giá rất cao, dù họ không nằm trong nhóm 4 ứng cử viên vô địch hàng đầu (gồm Mỹ, Đức, Anh, Tây Ban Nha) theo bình chọn của truyền thông châu Âu.

Riêng HLV đội tuyển nữ Trung Quốc Shui Qingxia tự tin tuyên bố: "Chúng tôi đầy tự tin sau khi vô địch châu Á năm ngoái. Tôi và các học trò muốn thể hiện sự tự tin đó trên một sân khấu lớn hơn nữa".

"Đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc mơ về ngôi vô địch World Cup. Tôi hy vọng vào điều đó, nếu đội Trung Quốc vô địch, đó sẽ là chiến tích tuyệt vời đối với chúng tôi", HLV Shui Qingxia nói thêm.

Sau nhiều năm rơi vào khủng hoảng, theo đà khủng hoảng chung của toàn bộ nền bóng đá (cả nam lẫn nữ), đội tuyển nữ Trung Quốc đang trở lại. Họ thể hiện phong độ tốt ở giải vô địch châu Á năm ngoái. Giờ, họ tiếp tục hy vọng vào việc tái hiện phong độ vừa nêu ở World Cup năm nay.

Ngoài Việt Nam, những đội tuyển nữ nào lần đầu tham dự World Cup?

Năng lực cũng như truyền thống của các đội như Trung Quốc hay Nhật Bản giúp cho thế hệ cầu thủ hiện tại mang tâm thế vững vàng khi bước vào đấu trường World Cup. Ngoài ra, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều nằm ở bảng đấu dễ, nhánh đấu dễ, tạo điều kiện cho họ tiến xa.

Cựu vô địch Nhật Bản nằm ở bảng C cùng với các đội Tây Ban Nha, Costa Rica và Zambia. Trong số này, chỉ có Tây Ban Nha so được với Nhật Bản. Đội bóng châu Á sẽ không quá khó khăn để giành vé vào vòng 1/8.

Bóng đá nữ châu Á là thế lực, hướng về ngôi vô địch World Cup - Ảnh 2.

Đội tuyển nữ Trung Quốc trở lại sau thời gian sa sút

Reuters

Ở vòng 1/8, các đội bảng C sẽ gặp các đội đến từ bảng A (gồm Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ và Philippines). Không đội nào trong số này quá mạnh, nên khả năng tiến sâu của Nhật Bản khá cao.

Với đội tuyển nữ Trung Quốc, họ thuộc bảng D, gồm Anh, Đan Mạch và Haiti. Trong bảng này, đương kim vô địch châu Âu Anh đáng gờm nhất. Hai đội còn lại khá yếu.

Nếu vào vòng 1/8, các đội ở bảng D sẽ gặp các đội thuộc bảng B (Úc, CH Ireland, Nigeria và Canada). Chỉ cần tránh được đương kim vô địch Olympic Canada ở vòng 1/8, Trung Quốc cũng có thể tiến sâu vào giải giống Nhật Bản.

Ngoài Nhật Bản và Trung Quốc có truyền thống tại các kỳ World Cup, Úc tuy không được đánh giá cao bằng, nhưng đội này có lợi thế chủ nhà. Úc cũng có thể gây khó dễ cho các đối thủ khác.

Nhìn chung, cơ hội vô địch World Cup 2023 không nhỏ với các đội bóng châu Á, nếu các đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Úc đạt phong độ tốt, cộng thêm chút may mắn, sẽ tạo được hình ảnh như của Nhật Bản khi họ lên ngôi năm 2011.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.