Bóng đá TP.HCM: Con đường còn quá chông chênh

Quốc Việt
Quốc Việt
30/04/2021 08:44 GMT+7

Với 2 đại diện là CLB TP.HCM và Sài Gòn FC được cho là rất mạnh về tiềm lực tài chính , giấc mộng vô địch rõ ràng, nhưng con đường hoàn thiện từ cấu trúc đến cách vận hành vẫn còn lắm gập ghềnh, chông chênh.

Khi còn làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF), đương kim Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú đã hứa sẽ đưa CLB TP.HCM trở lại đỉnh cao. Ông làm được điều này ở mùa 2016, với chức vô địch hạng nhất. Từ lúc này, CLB TP.HCM trở thành một đại gia của bóng đá Việt Nam với hầu bao rủng rỉnh nhờ nguồn tài trợ mạnh của những doanh nghiệp lớn. Đỉnh cao của "Chiến hạm đỏ" là ngôi á quân V-League 2019 dưới tài cầm quân của HLV Chung Hae-seong. Tuy nhiên, việc vung tay quá trán và không có chiến lược tuyển quân bài bản, khoa học đã khiến đội bóng này nhanh chóng mất lái rồi chìm vào khủng hoảng. Những ngoại binh liên tục được đưa về luôn gây thất vọng, bộ khung cầu thủ nội thay đổi xoành xoạch khiến sự ổn định luôn là điều xa xỉ đối với CLB. Dù tiền luôn được chi ra rất nhiều, nhưng liên tiếp 2 mùa bóng 2020 và 2021, "Chiến hạm đỏ" luôn thi đấu chật vật.

Yếu kém về quản lý

Cựu danh thủ Lưu Ngọc Hùng từng bức xúc cho biết: “Chính sự yếu kém trong quản lý, những tiêu cực trong tuyển chọn, đào tạo của những người quản lý bóng đá TP.HCM khi đó đã làm thui chột nhân tài bóng đá thành phố. Làm sao có thể chấp nhận được cảnh phụ huynh muốn con em phát triển tài năng thì lại phải mang gửi con mình đi tỉnh tập luyện. Đụng chuyện thì đổ thừa là do bóng đá không thu hút, trẻ em giờ có nhiều chọn lựa ngành nghề khác. Không phải vậy, cái gì cũng có đam mê. Bất cứ ai nếu đã đam mê cũng đều muốn dấn thân, trui rèn, học hỏi. Bóng đá cũng vậy, nếu có cách làm đúng thì chất xám không bao giờ chảy đi nơi khác. Chính điều này dẫn đến sự thui chột tài năng, đẩy công tác đào tạo, kế thừa của bóng đá TP.HCM vào ngõ cụt. Từ đó giá trị truyền thống của bóng đá TP.HCM cũng không còn”.  
Quang Tuyến
Ngoài CLB TP.HCM còn có Sài Gòn FC, tiền thân là đội trẻ Viettel được bầu Hiển mua lại suất sau khi Thể Công bị bán cho Thanh Hóa. Đội được bầu Hiển đầu tư lên hạng năm 2016 và đem vào miền Nam, đổi tên từ CLB Hà Nội thành Sài Gòn FC để "gả bán". Sau những năm đầu sống "lẻ loi" vì không nhận được sự thừa nhận của khán giả thành phố, đến mùa 2020 Sài Gòn FC chính thức chuyển giao cho những ông chủ mới người Sài Gòn và bắt đầu lột xác. Mùa bóng 2020, Sài Gòn FC dưới tay "quái kiệt" Vũ Tiến Thành trở thành hiện tượng của cả V-League khi dẫn đầu giải một thời gian dài, trước khi hụt hơi và để mất chức vô địch vào tay Viettel. Tuy nhiên, kết thúc mùa 2020, Sài Gòn FC lâm vào khủng hoảng khi chia tay đến 22/28 cầu thủ cùng một số thành viên BHL.
Khác với CLB TP.HCM thiếu chiến lược đầu tư nhất quán, Sài Gòn FC xác định rất rõ con đường phát triển của mình theo hướng J-League hóa. Bầu Bình cũng quyết chơi lớn khi mua lại và sửa sang Trung tâm Thành Long, mua lại lò đào tạo trẻ được AFC chấm "sao" cao nhất là PVF. Tuy nhiên, những nguyên nhân chủ quan và khách quan đang khiến họ chật vật trụ hạng, trong lúc chờ "viện quân" chất lượng từ đối tác Nhật Bản. Mùa 2021 này có thể xem là bi kịch cho các đại diện của bóng đá thành phố khi cả CLB TP.HCM và Sài Gòn FC đều lâm vào khủng hoảng, để lộ những hạn chế về cấu trúc và cách vận hành mô hình bóng đá chuyên nghiệp.

Sài Gòn FC còn nhiều việc phải làm

Đông Nghi

Nhằm hướng tới việc tìm một bản sắc riêng, CLB TP.HCM đã xây dựng Học viện Juventus, chuẩn bị đưa vào hoạt động đại bản doanh ở Q.7 với 2 sân tập cỏ tiêu chuẩn như sân Thống Nhất. Sài Gòn FC cũng đã mua Trung tâm bóng đá Thành Long và mua lại Học viện PVF để tạo căn cơ, chủ động tạo nguồn đầu vào. Nhưng quá trình để thấy được hiệu quả phải chờ thời gian chứng minh, đơn cử như bầu Đức cũng phải mất 14 năm mới có được HAGL nức lòng như hiện tại.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ: "Tôi đánh giá rất cao những ông bầu bỏ tiền, bỏ tâm sức ra đầu tư cho 2 CLB bóng đá thành phố. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp trước mắt của họ. Về lâu dài thành phố chưa có chiến lược rõ ràng, chưa ngồi lại trao đổi phương án hỗ trợ những ông bầu này để có con đường phát triển lâu dài bền vững. Đó là điều đáng tiếc, vì nếu làm tốt câu chuyện này thì viễn cảnh đưa bóng đá thành phố vươn mình trở lại vai trò cái nôi của bóng đá Việt Nam là trong tầm tay. Người hâm mộ thành phố quá yêu bóng đá và họ xứng đáng cảm nhận được niềm vui vô địch từ đội bóng mình yêu quý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.